Cấp gần 50.000 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp

Thứ hai, 11/01/2021 10:57
(ĐCSVN) – Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), năm 2020 Cục đã cấp 47.168 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, tăng 15,6% so với năm 2019.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công thương

Tính đến đầu tháng 12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ nhận được 76.072 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đơn sáng chế tăng 3,8%, đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 4,3%, đặc biệt là đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, 12.337 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, chiếm 16,2% tổng lượng đơn nộp và tăng 54% so với năm 2019.

So với năm 2019, kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp đạt mức khá (tăng 8,3%), lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp cấp ra tăng 15,6%, trong đó giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tăng gấp đôi, bằng độc quyền sáng chế tăng 63% và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tăng 14,8%.

Cùng với đó, năm 2020 hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương, khi sở hữu trí tuệ dần trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc cải tạo Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và Chỉ số năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam. Trong đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 42/131 quốc gia và nền kinh tế năm 2020.

Ngoài việc nỗ lực thúc đẩy việc xử lý lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công tác xây dựng pháp luật được thực hiện đúng tiến độ đề ra. Việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của khoa học - công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương. Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phát triển tài sản trí tuệ của các trường, viện, cũng như có các biện pháp nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho toàn xã hội.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm qua hoạt động của Cục vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều, thậm chí có xu hướng gia tăng khi số lượng đơn được xử lý hằng năm thấp hơn số lượng đơn nhận được; Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc...

Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, năm 2021 Cục sẽ triển khai nhiệm vụ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành để trình Quốc hội vào tháng 10/2021; triển khai có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ, đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới sáng tạo, tăng cường hàm lượng tài sản trí tuệ trong tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp.

Cục tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý đơn sở hữu công nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua việc nghiên cứu các cách làm mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thẩm định đơn. Các đơn vị tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin tạo lập các cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy để phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực