Chỉ muốn thử sức bằng hết khả năng của mình

Thứ năm, 11/02/2010 07:31

 

 Sinh viên Lê Thị Ngọc Tú

(ĐCSVN)- “Em sinh ra ở Thái Bình là một vùng quê nông nghiệp nghèo, công nghiệp ít phát triển. Ước mơ của em là được đi thật nhiều nơi, khám phá những vùng đất mới, làm nhiều điều có ích cho cha mẹ, cho quê hương mình phát triển và cuộc sống của mọi người nơi đây đỡ vất vả hơn. Đây chính là động lực để em thi vào trường mà mọi người vẫn nói toàn đất, đá, than, bùn…”. Đó là lời tâm sự rất thật của sinh viên Lê Thị Ngọc Tú - sinh viên lớp Địa Chất B K50 - Trường Đại học Mỏ - Địa Chất - người vừa đoạt giải nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 20”.

Lê Thị Ngọc Tú vừa được Bộ Giáo dục-Đào tạo trao giải nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 20” với Đề tài khoa học “Nghiên cứu thành phần vật chất và đặc tính công nghệ các đá Bazan Kainozoi khu vực Nông Cống (Thanh Hóa) và Phủ Quỳ (Nghệ An) theo hướng chế tạo bê tông đầm lăn cho các đập thủy điện lớn”.

Khi được hỏi xung quanh về đề tài này, Ngọc Tú  hồn nhiên cho biết: “Cũng nhiều người hỏi em con gái làm một mình một đề tài sao mà dũng cảm thế? Không có gì đặc biệt cả, em chỉ muốn thử sức bằng hết khả năng của mình, muốn thử sức làm một nhà địa chất tương lai xem thế nào! Làm một mình cũng dễ sắp xếp thời gian nghiên cứu, học tập hơn khi mà lịch học của ai cũng dày đặc? Hơn nữa em còn có thầy cô và bạn bè và bố mẹ luôn bên cạnh động viên giúp đỡ em cả về tinh thần và vật chất nữa. Cũng đôi khi em thấy công việc quá nhiều so với cái đầu nhỏ của mình, học tập, thi cử và nghiên cứu khoa học… Những lúc đó bạn bè thường động viên, giúp đỡ cho em động lực để học tập và nghiên cứu”.

Ngọc Tú kể thêm: “Em thường học trên trường cả ngày vì chúng em còn phải thí nghiệm trên phòng mẫu nữa. Nên em chỉ rỗi vào thứ 7 hay chủ nhật cho công việc đi thực địa. Những giờ trống tiết hay được nghỉ mình tham gia làm mẫu và phân tích mẫu ở trường, tất nhiên tối em làm bài tập trên lớp và tổng hợp tài liệu để nghiên cứu rồi. Vào thời gian ôn thi thì em sắp xếp buổi đêm để ôn thi cho yên tĩnh, còn ban ngày vẫn làm nghiên cứu và soi mẫu lát mỏng, em phải soi kính hiển vi phân cực cả ngày đến hoa hết cả mắt. Thời gian đó nhìn em gầy còm”.

Trong quá trình học tập tại trường Đại học Mỏ - Địa chất, học kỳ nào sinh viên Lê Thị Ngọc Tú cũng được học bổng của nhà trường, năm thứ 3 đạt danh hiệu sinh viên giỏi, năm 4 đạt sinh viên xuất sắc của trường, 2 kỳ là sinh viên có điểm tổng kết cao nhất khoa, nhận được học bổng dành cho sinh viên xuất sắc của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngay năm đầu, Ngọc Tú đã được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên lớp, 2 năm tiếp là Phó Bí thư lớp. Ngoài ra, Ngọc Tú còn tham gia hoạt động của Đoàn Thanh niên của trường, các hoạt động thể thao, hội khoẻ hay văn nghệ trường.

Năm 2008, Lê Thị Ngọc Tú có tham gia nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu về đặc điểm thạch hoá các đá magma granitoid khối Mường Lát (Thanh Hoá) và khối Trường Sơn (Hà Tĩnh)” cũng do cô giáo ThS. Phạm Thị Vân Anh hướng dẫn. Đề tài này, Ngọc Tú nghiên cứu cùng hai người bạn thân cùng lớp là Trần Kim Quý và Đặng Minh Lâm và đạt giải nhì trường trong đợt nghiên cứu khoa học năm 2008. Tuy nhiên, thời điểm đó nhóm của Ngọc Tú mới bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học nên đề tài mới dừng lại ở việc nghiên cứu và xem xét khả năng ứng dụng, sinh khoáng của đá.

Đặc thù ngành địa chất của Ngọc Tú là ngoài công tác thu thập xử lý số liệu, công tác gia công mẫu thí nghiệm và nghiên cứu trong phòng còn phải đi thực địa nữa. Mặc dù đi thực địa tức là phải trực tiếp đi đến nơi mình nghiên cứu để khảo sát đo đạc, lấy mẫu nghiên cứu, thành lập các loại bản đồ chuyên môn, nhưng Ngọc Tú vẫn sắp xếp thời gian giữa việc học trên trường, việc ôn thi, việc nghiên cứu trong phòng và cả đi thực địa. Thầy cô hướng dẫn rất tận tình từ việc đi thực địa, cách khảo sát, đo đạc, cách lựa chọn và phân tích mẫu… tạo điều kiện sắp xếp thời gian hướng dẫn đi thực địa. Lê Thị Ngọc Tú thật sự hạnh phúc vì có được những sự giúp đỡ từ gia đình, thầy cô và bạn bè.

Phấn khởi khi nhận được giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học, Lê Thị Ngọc Tú chia sẻ: “Em rất vui khi nhận được giải thưởng lần này, điều này giúp em thấy được nếu cố gắng, phấn đấu, làm việc với sự đam mê thực sự thì sẽ thu được được thành công. Nó sẽ giúp em tự tin hơn, có động lực hơn trong học tập và trong nghiên cứu sau này, nó như một lời động viên em đi tiếp trên con đường nghiên cứu khoa học phục vụ đất nước ngày càng phát triển và giàu mạnh”.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực