Cung cấp thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế, sức khoẻ cộng đồng

Thứ tư, 20/01/2021 17:45
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị: Tổng cục Môi trường tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Khương Trung) 

Ngày 20/1, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) họp về triển khai những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục.

Theo báo của Tổng cục Môi trường, môi trường nước ta hiện vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động.

Cả nước hiện có 280 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động; 846 đô thị; 4.575 làng nghề, gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 31.668 trang trại nông nghiệp; 13.674 cơ sở khám, chữa bệnh; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hơn 3,6 triệu xe ô tô, hàng chục triệu xe gắn máy đang lưu hành; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực…

Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại nhưng hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết như: Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các Tp lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân; Rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả…

Từ những vấn đề và thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường nói trên, Tổng cục Môi trường xác định triển khai kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, làng nghề…); tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thúc đẩy, thu hút đầu tư, xử lý tái chế rác thải bằng công nghệ chế biến, công nghệ sinh học thay cho chôn lấp trực tiếp…

Để triển khai các những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tổng cục đã xác định những vấn đề và thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về môi trường năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đối với thế giới, việc đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, dự đoán trong 10 năm tới việc chuyển đổi số và bảo vệ môi trường sẽ được các quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu. Các nước châu Âu đã đặt kinh tế tuần hoàn lên ưu tiên số một để hướng tới một nền kinh tế không rác thải vào năm 2050.

Do đó, công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn tới cần đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Để giải quyết những thách thức trên Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong đó tập trung xây dựng các văn bản dưới Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua; tiếp tục xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về môi trường, kèm theo đó là cơ chế chính sách tài chính, quy chuẩn, công nghệ kỹ thuật đồng bộ triển khai.

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp tục tăng cường năng lực cho công tác quan trắc môi trường; xây dựng quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng cục cần phải sớm đưa các mô hình bảo vệ môi trường tốt để triển khai rộng rãi.

Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, trong đó tập trung quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thúc đẩy, thu hút đầu tư, xử lý tái chế rác thải bằng công nghệ chế biến, công nghệ sinh học thay cho chôn lấp trực tiếp. Cải thiện chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…); từng bước khôi phục môi trường các lưu vực sông, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở đô thị lớn.

Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó có tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, với từng di sản thiên nhiên. Tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Đồng thời, lãnh đạo, cán bộ Tổng cục Môi trường cần thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý, đưa ra các giải pháp đa dạng, tập hợp được trí tuệ tập trong việc triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao, thể hiện với trách nhiệm đất nước, với người dân./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực