Đại học quốc gia Hồ Chí Minh: Định hướng trở thành Đại học nghiên cứu

Thứ năm, 22/04/2021 17:17
(ĐCSVN) - Với định hướng trở thành Đại học nghiên cứu, nhiều năm qua, Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã và đang kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể nhằm xây dựng và phát triển khoa học và công nghệ theo hướng gắn các hoạt động này với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế.
(Ảnh minh họa: ĐHQG-HCM cung cấp)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQG-HCM đã xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030 đó là: đổi mới đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; đến năm 2025 bắt kịp các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; đến năm 2030 nằm trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu của châu Á; đến năm 2030 trở thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện, là một hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu khoa học gắn liền với đào tạo  

Với định hướng trở thành Đại học nghiên cứu, nhiều năm qua ĐHQG-HCM đã và đang kiên trì thực hiện một chiến lược tổng thể nhằm xây dựng và phát triển KH&CN theo hướng gắn các hoạt động KH&CN với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế.

Chính vì lẽ đó, ĐHQG-HCM tập trung vào xây dựng và triển khai các quyết sách cho phép một số cơ chế và chính sách nghiên cứu khoa học có tính đột phá; thành lập các mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học mới để áp dụng các cơ chế và chính sách; đầu tư vào một số đơn vị với một số lĩnh vực mũi nhọn cụ thể để có thể tạo nên một hiệu quả nhất định ban đầu.

Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM còn xây dựng nền tảng KH&CN thông qua việc hình thành các chương trình KH&CN trọng điểm nhằm khai thác, phát huy và phối hợp các thế mạnh nội tại là sự đa ngành và đa lĩnh vực trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm làm nền tảng cho việc triển khai công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhằm khai thác tối đa nhân lực, vật lực trong và ngoài hệ thống; Hình thành nhóm nghiên cứu tiềm năng với các mũi nhọn nghiên cứu và các đơn vị nghiên cứu mới; Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành và trung tâm nghiên cứu xuất sắc trên kết quả hoạt động của các đơn vị nghiên cứu tiềm năng.

Đến nay, ĐHQG-HCM đã hình thành hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Quốc gia, cấp ĐHQG-HCM và các nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc các lĩnh vực nằm trong định hướng nghiên cứu của ĐHQG-HCM. Từ đó hình thành và phát triển của các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu như: Khu Công nghệ phần mềm, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng Tế bào gốc, Viện công nghệ Nano, Trung tâm John Von Neumann, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử, phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư….

Với việc nghiên cứu khoa học gắn liền với đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh sẽ trở thành lực lượng quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Đây cũng là nguồn nhân lực không thể thiếu trong các đơn vị, phòng thí nghiệm trọng điểm, các nhóm nghiên cứu…

Chương trình đào tạo của ĐHQG-HCM được xây dựng trên cơ sở khảo sát các bên liên quan trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến ngành đào tạo, do đó đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo ngoài khối kiến thức thì kỹ năng và thái độ làm việc của người học cũng được đưa ra trong quá trình đánh giá. Nhờ đó rút ngắn được khoảng cách giữa nội dung, phương thức đào tạo trong nhà trường và nhu cầu của các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực.

Hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và hoạt động khoa học, công nghệ luôn được chú trọng và được triển khai hiệu quả ở các trường thành viên. Người học và giảng viên được tham dự tập huấn, thực tập nghiên cứu ngắn hạn tại các nước phát triển. Cùng với đó, ĐHQG-HCM cũng mời các chuyên gia đầu ngành đến báo cáo chuyên đề, tham gia vào các nhóm nghiên cứu, trung tâm, viện… để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch chiến lược, định hướng nghiên cứu. Mặt khác, các đề tài, dự án song phương có sự tham gia của đối tác nước ngoài cũng được ĐHQGHCM ưu tiên đầu tư.

Phát triển mạnh lĩnh vực công nghệ vật liệu

Từ 1995 đến nay, ĐHQG-HCM đã thành lập các đơn vị đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vật liệu bao gồm: Khoa Công nghệ vật liệu; Phòng thí nghiệm trọng điểm Cấu trúc Vật liệu thuộc Trường Đại học Bách khoa; Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); phòng thí nghiệm Vật liệu kỹ thuật cao (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); Bộ môn Vật liệu Y Sinh - Khoa Sinh học và Công nghệ Sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Vật liệu Polymer và Composite; Viện Công nghệ Nano. Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử…

Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN trong lĩnh vực công nghệ vật liệu ở ĐHQG-HCM phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tích đáng kể trong những năm gần đây. ĐHQG-HCM đã có các chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ như: cấp kinh phí nghiên cứu cho các đề tài (VNUA, VNUB, VNUC), có các hình thức khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có công bố khoa học xuất sắc, giải thưởng dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh có công bố khoa học xuất sắc…

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu có trình độ chuyên môn tốt được đào tạo bài bản ở các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và thường xuyên cập nhật kiến thức, công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới thông qua các hoạt động tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, thực hiện nghiên cứu ngắn hạn ở một số trường, viện của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…

PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, trong lĩnh vực khoa học vật liệu, trong những năm qua ĐHQG-HCM đã đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu; trong đó đáng kể là qui mô đào tạo ngành khoa học vật liệu bậc đại học là khoảng 400 sinh viên/năm; qui mô sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) mỗi năm khoảng hơn 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh …

“Về nghiên cứu khoa học ĐHQG-HCM đã phối hợp với ĐH UCLA, ĐH Berkeley của Hoa Kỳ và các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu của Pháp tiên phong thành lập Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Viện Công nghệ Nano; và đã đạt được nhiều kết quả tốt trong đào tạo và nghiên cứu về các vật liệu tiên tiến. Số lượng công bố khoa học hằng năm có xu hướng ngày càng tăng, đạt khoảng 250 bài báo/năm.. .”- PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ./.

               

 

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực