Đề xuất phương án hiệu quả trong thiết kế nhà tránh lũ và ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ ba, 24/11/2020 16:00
(ĐCSVN) - Với công việc chuyên môn đang theo đuổi, đoàn viên, thanh niên Bộ Xây dựng mong muốn góp ý kiến đề xuất để có những phương án nâng cao hiệu quả trong thiết kế điển hình hóa nhà tránh lũ và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ngày 24/11 tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tuổi trẻ Bộ Xây dựng với việc nâng cao hiệu quả trong thiết kế điển hình hóa nhà tránh lũ và ứng phó BĐKH”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng Bùi Chí Hiếu nêu rõ, Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Những diễn biến của BĐKH tại Việt Nam bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng về tần suất và khó dự đoán. BĐKH đã tác động tới tất cả các vùng, miền và môi trường sống, tới sức khỏe người dân, dịch vụ y tế cũng như các hoạt động kinh tế nòng cốt.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội thảo 

Với vai trò tiên phong, xung kích, thời gian qua, tuổi trẻ Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động chung tay ứng phó với BĐKH. Mới đây, trong đợt lũ lịch sử miền Trung, đoàn viên, thanh niên Bộ Xây dựng đã có mặt rất kịp thời tại các tỉnh chịu thiệt hại với mong muốn san sẻ khó khăn với người dân. Hơn nữa, với công việc chuyên môn đang theo đuổi, đoàn viên, thanh niên Bộ Xây dựng mong muốn góp ý kiến đề xuất để có những phương án nâng cao hiệu quả trong thiết kế điển hình hóa nhà tránh lũ và ứng phó BĐKH.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Xây dựng Vũ Quang Tiến mong muốn, đoàn viên, thanh niên Bộ Xây dựng và các chuyên gia tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm cải thiện mô hình nhà chống lũ tốt hơn. Đồng chí Vũ Quang Tiến đề nghị Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng cần làm việc trực tiếp với Đoàn thanh niên các địa phương để triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình nhà chống lũ ở tất cả các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung thường xuyên phải gồng mình chống chọi với bão, lũ.

Cũng tại Hội thảo, Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương Bùi Hoàng Tùng đánh giá Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng đang thực hiện rất tốt phong trào “Sáng tạo trẻ” mà mô hình nhà chống lũ chính là minh chứng rõ ràng nhất. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh mô hình nhà chống lũ là cách làm tình nguyện bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài cho người dân so với nhiều cách làm tình nguyện khác.

Theo ông Nguyễn Dư Minh, Trưởng phòng thẩm định Dự án đầu tư phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị, trước những diễn biến bất thường và mạnh mẽ của BĐKH tới cuộc sống của người dân, giải pháp nhà ở được nhận định là cấp bách và thiết thực nhất. Nhà chống lũ hay nhà chống ngập là mô hình thiết kế nhà thích ứng với mưa lũ, giảm thiểu hậu quả của thiên tai đến con người và tài sản.

Tại Việt Nam, nhà chống lũ xuất hiện từ năm 2013, đây là giải pháp tuyệt vời trước tình hình thời tiết thất thường tại miền Trung. Mô hình này còn phù hợp với vùng ngập lũ miền Tây khi khí hậu đang thay đổi thất thường. Hiện mô hình nhà chống lũ gồm 3 loại chính: nhà kê nền, nhà có gác và nhà phao. Thực tế đã có không ít thiết kế nhà chống lũ được triển khai từ đơn giản, giá rẻ cho đến những mô hình hiện đại, sáng tạo đột phá.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, ông Nguyễn Dư Minh cho rằng, thời gian tới, cần mở rộng phân vùng cảnh báo rủi ro trên cả nước dựa trên kịch bản BĐKH mới nhất để chủ động ứng phó, sử dụng hợp lý tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ BĐKH; nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

leftcenterrightdel
Đoàn viên Bộ Xây dựng góp ý kiến về nhà tránh lũ tại Hội thảo 

Dẫn kinh nghiệm quốc tế từ hoàn thiện thể chế, làm tốt quy hoạch xây dựng, khuyến cáo người dân trong khu vực có nguy cơ…, Ths, Kiến trúc sư Hoàng Thị Hương Giang, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đề xuất các giải pháp cho các vùng ở Việt Nam. Trong đó, với khu vực miền Trung, cần mở rộng các lòng sông thoát lũ, xây dựng công trình đê bao, đê khoanh vùng để bảo vệ các khu dân cư và công trình trọng điểm; tôn nền các khu vực dự kiến xây mới tới cao độ ứng với quy chuẩn cho từng cấp đô thị; xây dựng hệ thống các hồ chứa cắt lũ trên lưu vực sông; mở rộng khẩu độ các cầu, cống, xây dựng hệ thống cầu cạn; tăng cường khả năng thoát lũ ở cửa sông nhờ nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng…

Cho biết, Bộ Xây dựng đã có tiêu chí “3 cứng” cho nhà ở nông thôn, đặc biệt là nhà ở tại vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai đó là nền cứng, khung cứng, mái cứng. Các bộ phận nền, khung, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy, Ths. Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Hoàng, Viện Kiến trúc quốc gia cũng đề cập đến khía cạnh đối tượng dễ bị tổn thương nhất vùng thiên tai chủ yếu là các hộ nghèo, nhà cửa không ổn định, thiếu kiên cố. Để xây dựng nhà an toàn đúng quy trình, phải đầu tư từ 20-50 triệu cho xây mới và 10 triệu cho cải tạo, gia cố nhà hiện trạng. Dù đã có nhiều mẫu nhà của các tổ chức, cá nhân nhưng nhược điểm là kinh phí đầu tư thấp, đơn giản là chòi, hầm tránh trú khi cần thiết, không tiện nghi cho sinh hoạt thường nhật; chưa có giải pháp cung cấp điện, nước, dự trữ thức ăn, trú ẩn gia súc, gia cầm, điều kiện vệ sinh, giao thông đi lại trong lúc ngập lụt kéo dài…

Từ thực tế này, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Hoàng đề xuất thiết kế lồng ghép các công trình công cộng kết hợp điểm tránh trú bão như nhà văn hóa thôn, hội trường UBND xã, trường học các cấp; với các công trình xây mới, đẩy mạnh các thiết kế điển hình cấu kiện được lắp dựng sẵn tại công trình đảm bảo rút ngắn quá trình thi công và hướng dẫn người dân thi công lắp đặt. Đặc biệt, để thiết kế mẫu thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Xây dựng cần xây dựng thí điểm trên cơ sở định hướng, phổ biến, hướng dẫn áp dụng cho người dân tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực