Dỡ cách ly toàn tỉnh là phù hợp với yêu cầu của Trung ương và thực tế địa phương

Thứ ba, 02/03/2021 22:12
(ĐCSVN) - Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, việc dỡ bỏ cách ly toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 để chuyển sang trạng thái mới, cách ly theo các mức độ khác nhau là phù hợp với yêu cầu của Trung ương và tình hình thực tế địa phương.

Dựa vào dân để chống dịch: Hải Dương huy động sức mạnh từ cộng đồng

Việc dỡ bỏ cách ly toàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc kỹ và đưa ra các kịch bản sau đó.

00h00 ngày 3/3, Hải Dương sẽ dỡ bỏ lệnh cách ly toàn xã hội. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định thời gian dỡ bỏ là phù hợp, không sớm dù hôm nay, trong tỉnh vẫn có thêm những ca dương tính với COVID-19.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương để làm rõ thêm về quyết định nêu trên.

Phóng viên: Thưa đồng chí, việc ngừng cách ly xã hội vào 00h00 ngày 3/3 khi trên địa bàn tỉnh vẫn còn có ca dương tính COVID-19 khiến dư luận còn băn khoăn, xin đồng chí cho biết rõ hơn về quyết định này?

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc: 00h00 đêm nay, Hải Dương tháo bỏ lệnh cách ly toàn xã hội thực hiện suốt 15 ngày qua theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Việc dỡ bỏ này là phù hợp, đúng thời điểm và không sớm, không có gì để mọi người phải lo ngại.

Trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân Hải Dương đã đoàn kết, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt. Đến nay, chúng tôi đã cơ bản kiểm soát được tình hình, riêng 2 tâm dịch Chí Linh, Cẩm Giàng đã hoàn toàn kiểm soát được.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh cho biết, từ ngày 15/2 trở lại đây có thể thấy số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm khá phổ biến. Từ ngày 17/2 đến 1/3, số ca mắc đều dưới 20. Đặc biệt từ ngày 22 - 27/2, số ca mắc mới đều dưới 10, ngày thấp nhất (26/2) chỉ có 4. Đa số các ca mới mắc đều là các trường hợp F1 hoặc là người ở trong vùng phong tỏa. Một số ca ghi nhận thông qua việc giám sát ho sốt, sàng lọc ngoài cộng đồng. Một số địa phương như Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, nhiều ngày không có ca mắc mới.

Quyết định dỡ cách ly đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cân nhắc rất kỹ trên cơ sở đánh giá diễn biến của dịch, các yếu tố dịch tế tại các ổ dịch. Trước khi đi đến quyết định kéo dài hay hoàn thành cách ly, lãnh đạo tỉnh đã tham vấn rất kỹ các ý kiến của đoàn chuyên gia Bộ Y tế.

Việc ngừng thực hiện cách ly xã hội trên toàn tỉnh không có nghĩa là chúng tôi đánh đổi sức khoẻ của Nhân dân để lấy phát triển kinh tế. Nhưng cũng không vì chống dịch, khi dịch chỉ còn ở một vài điểm của các huyện, thị mà phong toả toàn tỉnh, đóng băng lâu hơn nữa các hoạt động sản xuất kinh tế.

Thời điểm Hải Dương tiến hành phong toả thành phố Chí Linh, phong toả Cẩm Giàng và ngày 16/2 quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh là những cơ hội vàng cho chúng tôi triển khai khống chế dịch bệnh.

Việc nhanh chóng, quyết liệt cách ly phong toả là để bó gọn các ca nhiễm, các vùng nguy cơ cao để dịch không tiếp tục lây lan trên diện rộng.

Sáng nay, Hải Dương ghi nhận thêm 11 ca nhiễm là việc đã nằm trong kiểm soát. Tất cả đều là F1 của các F0 rõ nguồn lây từ trước. Họ đã được cách ly ra khỏi cộng đồng và chờ xét nghiệm, tìm nguồn bệnh. Do đó, đây là những trường hợp trong tầm kiểm soát.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để đưa ra quyết định dỡ bỏ giãn cách xã hội toàn tỉnh, Hải Dương đã chuẩn bị các điều kiện như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc: Thời gian qua Hải Dương đã huy động tổng lực để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.

Như tại tâm dịch Cẩm Giàng, chúng tôi đã xét nghiệm trên 100.000 mẫu, ưu tiên cho công nhân và khu dân cư cộng đồng có nguy cơ. Rất vui, kết quả ghi nhận hầu hết quả âm tính COVID-19.

Hay với thành phố Chí Linh cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho hàng chục ngàn người, cho các khu dân cư không có ca bệnh. Kết quả, không có người dân nào nhiễm.

Tại Kim Thành, tính đến sáng nay (2/3), đã cho xét nghiệm diện rộng với 40.000 người. Với thị xã Kinh Môn, ngành y tế cũng đã lấy 41 nghìn mẫu để xét nghiệm, và kết quả đều ở trạng thái an toàn.

Riêng thành phố Hải Dương, điểm được coi là nguy cơ cao, tính đến chiều nay (2/3) đã xét nghiệm được 59.000 người trong các khu dân cư. Việc xét nghiệm này không chỉ được xét nghiệm 1 lần mà tổ chức quét đi, quét lại từ 2 đến 3 lần với các khu dân cư diện rộng.

Khi mà các huyện thị khác như Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Bình Giang, Ninh Giang… không xuất hiện thêm ca nhiễm nào, rà soát, xét nghiệm cũng không có ca nghi nhiễm thì không nên lo ngại dịch Hải Dương bùng phát trở lại nếu dỡ bỏ cách ly chung trong tỉnh.

Toàn tỉnh đã xét nghiệm cho gần 498.000 mẫu, không có người nào có kết quả dương tính với COVID-19. So với đợt dịch tại Đà Nẵng trước đây, địa phương bạn cũng chỉ xét nghiệm gần 350.000 người. Trong khi đó, sau dừng cách ly, Hải Dương tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm mở rộng trong toàn thể xã hội.

Nếu chỉ nhìn về ca nhiễm được công bố hàng ngày, người ở ngoài Hải Dương lo ngại là dễ hiểu. Các ca nhiễm mới sẽ còn được ghi nhận, nhưng chúng tôi khẳng định một lần nữa đó là những người đã được cách ly y tế, không còn khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Nếu có ca nhiễm mới sẽ cách ly tiếp, truy vết và phong toả gọn, chặt nhất, kiên quyết không để dịch bùng trở lại.

Công tác xét nghiệm trên diện rộng giúp Hải Dương rà quét các đối tượng có nguy cơ cao trong cộng đồng trong thời gian qua. 

Phóng viên: Thưa đồng chí, có ý kiến cho rằng, Hải Dương sẽ đối diện với nguy cơ dịch bùng phát trở lại nếu nếu không tiếp tục kéo dài thời gian cách ly toàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc: Chúng tôi vẫn tiếp tục áp dụng thực hiện cách ly ở các mức độ khác nhau.

Tại 4 địa phương gồm thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Cẩm Giàng và Kim Thành cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15-CT/TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 17/3.

Các địa phương còn lại gồm thành phố Chí Linh, Thanh Miện, Ninh Giang, Gia Lộc, Bình Giang, Tứ Kỳ, Nam Sách và Thanh Hà cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi dập dịch hoàn toàn.

Tỉnh Hải Dương nhận định, dù tình hình dịch đã được kiểm soát song vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại nếu các địa phương lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là lý do 4 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao phải thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ cho đến ngày 17/3.

Cụ thể, Cẩm Giàng từng là nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tổng số ca mắc đến ngày 2/3 là 101 ca. Do tập trung đông công nhân lao động đang trở lại làm việc, nguy cơ dịch ở đây vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng. Diễn biến dịch ở Kim Thành vẫn khá phức tạp. Đặc biệt sáng 2/3, huyện ghi nhận thêm 11 ca bệnh là các trường hợp F1 ở các xã Kinh Đính và Ngũ Phúc. Tổng số ca bệnh của huyện đến nay là 45 trường hợp. Dù huyện đã thực hiện cô lập chặt những địa phương có dịch song vẫn cần phải tập trung cảnh giác, đề phòng phát sinh tình huống xấu. Thành phố Hải Dương đến ngày 2/3 ghi nhận 40 ca bệnh. Thị xã Kinh Môn đến nay có tổng số 64 ca bệnh. Mầm bệnh ở Kinh Môn vẫn có nguy cơ lan rộng nếu không được kiểm soát tốt. 

Do 83% người bệnh trong đợt dịch này không có triệu chứng nên chúng tôi quán triệt tới tất cả các cấp, ngành tuyệt đối không được chủ quan lơ là, phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch.

Phóng viên: Để tiến tới dập dịch hoàn toàn, trong thời gian tới, Hải Dương sẽ đưa ra các giải pháp gì thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc: Một kịch bản mới rất chi tiết, chặt chẽ mà chúng tôi đã xây dựng cho Hải Dương sau dừng cách ly xã hội toàn tỉnh. Chúng tôi xác định vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tỉnh kiên quyết với phương châm truy vết nhanh, xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và phong toả gọn, chặt.

Vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng và tổ phòng, chống COVID-19 trong công sở, đơn vị được nâng lên tầm mới. Họ là mạng lưới dày đặc trên tất cả không gian sống của người dân Hải Dương. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, tổ COVID-19 sẽ báo cáo chi tiết diễn biến trong dân cư về Ban Chỉ đạo hàng ngày.

Các hiệu thuốc tây trên toàn tỉnh cũng trở thành điểm báo mới về phát hiện các biểu hiện lâm sàng (ho, sốt, mỏi người…) của những người nghi ngờ.

Với các khu cách ly, phong toả đang có ca dương tính, chúng tôi yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm. Các điểm, khu phong toả vẫn phải làm nghiêm làm chặt ví như khu cư dân Việt Mỹ, thôn Tiền, thôn Quý Dương…( Cẩm Giàng), 2 xã  Kim Liên và Kim Đính (huyện Kim Thành).

Các ca nhiễm bệnh ở Hải Dương thực hiện cách ly y tế đủ 21 ngày với nhiều lần xét nghiệm, với khoảng cách 3 đến 5 ngày 1 lần. Sau khi kết thúc điều trị tiếp tục về nhà cách ly y tế thêm 14 ngày.

Những người trong diện F1, F2 của các F0 cũng thực hiện thời gian cách ly 21 ngày và thêm 14 ngày tại nhà. Chu kỳ cứ 3 đến 5 ngày, ngành y tế lại lấy mẫu xét nghiệm một lần với họ. Chủng nhiễm mới của COVID-19 lần này có thời gian ủ bệnh lâu, do đó có nhiều trường hợp hết 21 ngày cách ly, đến lần xét nghiệm thứ 4 mới ghi nhận dương tính.

Tại các bệnh viện, yêu cầu xét nghiệm 100% nhân viên, cán bộ y tế. Hiện tỉnh cũng đã giải thể bệnh viện dã chiến số 1, số lượng bệnh nhân đang giảm xuống nhanh, không có ca tử vong, bệnh nhân ra viện sức khoẻ tốt, chưa có ai dương tính trở lại.

Đó là tất cả căn cứ để chúng tôi dỡ bỏ cách ly xã hội, đưa Hải Dương chuyển sang trạng thái xã hội mới./.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực