Giáo viên giỏi cần hài hoà chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm

Thứ tư, 11/11/2020 17:03
(ĐCSVN) - Với sự tham gia của 24 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc, Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm lần thứ I năm 2020 góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua, các cuộc vận động của các cơ sở giáo dục đại học và của ngành giáo dục; khuyến khích giảng viên tự rèn luyện, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp.
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thi. (Ảnh: BL)

Chiều ngày 11/11 tại trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất năm 2020.

Hội thi nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên; đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tạo điều kiện giảng viên học tập, trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thông qua các hoạt động của Hội thi giúp phát hiện, công nhận, tuyên dương và tổng kết, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, bổ ích của các điển hình, mô hình tiên tiến; phát hiện, tổng kết, phổ biến những phương pháp giảng dạy và giáo dục hiệu quả, các kinh nghiệm thiết thực và bổ ích trong các hoạt động giáo dục đại học. Hội thi cũng góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các cơ sở giáo dục đại học và của ngành; khuyến khích giảng viên tự rèn luyện, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp. 

Kết quả Hội thi là một căn cứ đánh giá thực trạng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên, làm cơ sở để các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đại học chỉ đạo việc thực hiện giảng dạy và có kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Hội thi diễn ra từ ngày 11-14/11 với sự tham gia của 24 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc. Trong đó, mỗi đội thi 3 nội dung: Hiểu biết sư phạm; xử lý tình huống sư phạm; tự chọn (chọn 1 trong 2  nội dung: Chào hỏi hoặc Năng khiếu).  Mỗi cá nhân thi 2 nội dung: hùng biện và tự chọn (chọn 1 trong các nội dung: năng khiếu hoặc tư vấn, hướng dẫn sinh viên học tập, rèn luyện hoặc thiết kế hoạt động giáo dục).

Một trong những tiết mục biểu diễn của các trường tham dự Hội thi. (Ảnh: BL) 

Để chuẩn bị cho Hội thi, Ban tổ chức đã ban hành các văn bản hướng dẫn về nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của Hội thi. Trường Đại học Hùng Vương - đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi năm 2020 đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho Hội thi và đăng tải toàn văn các nội dung hướng dẫn chuyên môn, cập nhật tình hình chuẩn bị Hội thi trên cổng thông tin điện tử của trường.

Điểm nhấn của Hội thi là các tiêu chí đánh giá đối với từng nội dung thi được Ban tổ chức triển khai đến các đơn vị dự thi bằng công văn, đảm bảo tính công khai, đồng thời định hướng tập luyện. Các đơn vị dự thi được chủ động tham gia xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm của nội dung thi hiểu biết. Các trường tham dự Hội thi đã thành lập Đoàn, tổ chức chuẩn bị và tập luyện hăng say tạo nên một phong trào rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ sôi nổi ở khắp các đơn vị.

Ban tổ chức Hội thi cũng đã thành lập Ban giám khảo Hội thi là những nhà giáo, cán bộ quản lý và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đủ điều kiện theo quy định để chấm các phần thi, đảm bảo hướng tới một Hội thi nghiêm túc, trách nhiệm và công bằng cho tất cả các đội thi.

Cơ cấu giải thưởng được chia theo nhóm trường đào tạo giáo viên và nhóm trường không đào tạo giáo viên. Trong đó, theo đội thi, dự kiến, mỗi nội dung thi sẽ có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9-10 giải Khuyến khích tuỳ nhóm trường. Chung cuộc, nhóm trường đào tạo giáo viên dự kiến sẽ được trao 3 giải Nhất, 6 giải Nhì và 7 giải Ba; nhóm trường không đào tạo giáo viên sẽ được trao 3 giải Nhất, 5 giải Nhì và 7 giải Ba. Giải Nhất sẽ được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở kết quả Hội thi, các giảng viên tham dự Hội thi sẽ được nhận chứng nhận tham dự Hội thi và nếu đạt các yêu cầu của Hội thi sẽ đạt danh hiệu giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm. Đây là một hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh có ý nghĩa đối giảng viên.

Phát biểu khai mạc Hội thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Đây là một cuộc thi ý nghĩa, đặc biệt diễn ra trong tháng 11/2020, dịp toàn ngành kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, đối với công tác giáo dục nói chung và người làm công tác giảng dạy nói riêng, nghiệp vụ sự phạm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức, “truyền lửa” và hướng dẫn kỹ năng. Bên cạnh đó, đỗi với ngành sư phạm trình độ chuyên môn hết sức cần thiết. “Nếu không có trình độ về nghiệp vụ sư phạm để truyền tải chuyên môn, để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tâm lý người học, không có khả năng xử lý tình huống sư phạm, thì trình độ chuyên môn đó không thể lan toả được hết. Chính vì thế, một giáo viên giỏi cần hài hoà trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để kiến thức của mình tới được với người học”, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng cũng cho biết, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Bởi lẽ, ngoài kiến thức chuyên môn, người thầy giáo giỏi phải có kiến thức tâm lý, bao gồm kiến thức tâm lý chung và tâm lý sư phạm, để nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh, cảm xúc, thái độ để có những ứng xử phù hợp.

“Tôi đánh giá rất cao Hội thi, ghi nhận biểu dương các đội thi, các giảng viên tham gia Hội thi. Để đảm bảo hai yếu tố hội và thi, tôi đề nghị Ban tổ chức, được sự phân công uỷ quyền của lãnh đạo Bộ, sẽ tổ chức điều hành hội thi công bằng, khoa học, đảm bảo mục đích, lựa chọn chính xác đội thi và cá nhân chiến thắng, đảm bảo tiêu chí đã đề ra”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ kết quả lần này để xem xét cân nhắc hình thức, nội dung, thời điểm để tổ chức hội thi lần hai. Bộ mong muốn những kết quả thiết thực của Hội thi năm nay sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời cũng là một hoạt động có ý nghĩa hướng tới chào mừng kỉ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020./.

 

 

 

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực