Gỡ khó cho các trường dự bị đại học

Thứ hai, 07/09/2020 11:05
(ĐCSVN) - Trường dự bị đại học dân tộc là trường chuyên biệt nhằm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là giải pháp cần thiết để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số. Năm học 2020 - 2021 đã đến và hiện các trường dự bị đại học đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách cả trước mắt và lâu dài...

Toàn quốc hiện có 4 trường dự bị đại học dân tộc, gồm: Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương, Trường dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang và Trường dự bị đại học TP Hồ Chí Minh; 01 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có hệ dự bị đại học dân tộc (Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc); 03 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ và Đại học Trà Vinh, với quy mô đào tạo trên 5.000 học sinh/năm. Năm học 2020 - 2021, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cũng tham gia tuyển sinh hệ dự bị đại học, quy mô ban đầu 35 học sinh.

Học sinh Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương trong một buổi lên lớp

Theo đồng chí Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay, các trường dự bị đại học dân tộc gặp nhiều có khăn trong công tác tuyển sinh do số xã đặc biệt khó khăn, tức địa bàn tuyển sinh của các trường này ngày càng giảm. Chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, nên tỷ lệ học sinh đỗ thẳng vào các trường đại học đã đạt khoảng 55%, một số trường đạt tới trên 90%.

 Bên cạnh đó, các trường đại học sử dụng mọi hình thức để tuyển đủ chỉ tiêu, do đó, học sinh có rất nhiều cơ hội đỗ thẳng vào các cơ sở giáo dục đại học. Chỉ có những học sinh dân tộc thiểu số khi chưa đạt nguyện vọng đỗ vào các trường đại học trọng điểm thì mới chọn con đường bồi dưỡng qua hệ dự bị đại học. Những nguyên nhân này đã khiến 3/4 trường dự bị đại học trong cả nước không tuyển đủ chỉ tiêu được giao hàng năm, trừ Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương.

 Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030 đặt mục tiêu: “phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 - 150 sinh viên/vạn dân (người dân tộc thiểu số); nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực rất thấp đạt tối thiểu 130 sinh viên/vạn dân.

 Đến thời điểm 01/4/2019, theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có trình độ đại học trở lên ở nước ta mới chỉ đạt 3,3% (tỷ lệ chung toàn quốc là 9,3%); cao nhất là dân tộc Pu Péo cũng chỉ đạt 13,5%; 52 dân tộc thiểu số còn lại đều có tỷ lệ người có trình độ đại học dưới 10%; một số dân tộc có tỷ lệ người có trình độ đại học cực thấp: Ba Na 0,3%; Xinh Mun, La Hủ, Xtiêng 0,4%; Mảng 0,5%; Chơ Ro 0,9%... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 52 vào năm 2020.

 Theo ông Lê Trọng Tuấn, Hiệu trưởng Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương cho biết, nguyên nhân cơ bản là do các dân tộc này chủ yếu sinh sống tại địa bàn có điều kiện tự nhiên, xã hội đặc biệt khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, đời sống kinh tế nghèo nàn, không có hoặc ít có điều kiện học tập. Kết quả thi trung học phổ thông thấp không đáp ứng yêu cầu tuyển sinh so với học sinh thuộc các dân tộc khác. Ngoài ra còn phải kể đến nguyên nhân thiếu thông tin về trường đào tạo sau khi kết thúc chương trình học phổ thông. Thông tin tuyển sinh của các trường; báo chí, internet… không đến được các bản làng khó khăn, xa xôi hẻo lánh.

 Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới yêu cầu: “đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng cử tuyển, chế độ dự bị đại học, đào tạo nghề cho đối tượng người dân tộc thiểu số”.  

 Để thực hiện tốt yêu cầu trong Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 52 của Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường dự bị đại học, ngày 24/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2023 sẽ chuyển các trường dự bị đại học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

 Đây là giải pháp ở tầm vĩ mô nhằm tạo điều kiện cho các trường dự bị đại học thực hiện tốt hơn chức năng trường chuyên biệt trong giáo dục đào tạo khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tổ chức thực hiện từ năm 2021.

 Trước mắt, để công tác tuyển sinh năm học 2020 - 2021 thuận lợi, các trường dự bị đại học mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép có chế độ ưu tiên vùng miền, dân tộc còn nhiều khó khăn, ít học sinh đi học, các dân tộc ít người theo từng tỉnh.

 Bên cạnh đó, tăng cường mối liên hệ trao đổi thông tin hai chiều giữa nhà trường với các địa phương trong địa bàn tuyển sinh thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo. Các trường dự bị đại học cung cấp cho địa phương thông tin về số lượng học sinh trúng tuyển, kết quả học tập tại trường, kết quả phân phối học sinh vào học tiếp tại các trường đại học sau thời gian học dự bị. Ngược lại, vào cuối năm học, các địa phương cung cấp thông tin cho nhà trường về nhu cầu nguồn cán bộ các ngành nghề còn thiếu của địa phương, số lượng học sinh người dân tộc thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông, đặc biệt là các học sinh người dân tộc thiểu số ít người, có hộ khẩu thường trú tại vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn làm cơ sở cho các trường lên phương án tuyển sinh phù hợp.

 Chính quyền, ngành Giáo dục - Đào tạo các địa phương cũng cần quan tâm phổ biến rộng rãi thông tin tuyển sinh tới các trường trung học phổ thông để học sinh và phụ huynh nắm bắt có sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của con em mình./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực