Hướng đến mục tiêu phát thải cacbon bằng không trong ngành y tế

Thứ năm, 15/04/2021 11:14
(ĐCSVN) - Bản Hướng dẫn Lộ trình toàn cầu về khử cacbon trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đưa ra dữ liệu chi tiết về phát thải ngành y tế của 68 quốc gia và các khuyến nghị cụ thể cho chính phủ, các cơ quan quốc tế, khu vực tư nhân để đạt được các mục tiêu khử cacbon và tạo ra nền y tế ưu việt và công bằng hơn.

Tổ chức Health Care Without Harm (Chăm sóc sức khỏe không gây hại) phối hợp với Arup vừa cho ra Hướng dẫn Lộ trình toàn cầu về khử cacbon trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: một công cụ hướng dẫn để đạt được phát thải bằng không và tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu và đạt công bằng sức khỏe tại Diễn đàn Thế giới Skoll năm 2021.

Lần đầu tiên thế giới có được một hướng dẫn cho ngành y tế toàn cầu đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Đây là ngành có tác động khí hậu không hề nhỏ, bằng 4,4% lượng khí thải ròng toàn cầu. Nếu không có hành động khí hậu bên trong và bên ngoài ngành, thì lượng phát thải của ngành y tế sẽ tăng hơn gấp ba lần, đến hơn sáu gigaton mỗi năm vào năm 2050, tương đương với lượng phát thải hàng năm từ 770 nhà máy nhiệt điện than.

Nếu các quốc gia có thể đáp ứng các cam kết trong Thỏa thuận Paris của họ, điều này có thể cắt giảm mức tăng phát thải dự tính của ngành y tế xuống 70%, vẫn còn cách rất xa mục tiêu không phát thải. Bản Hướng dẫn Lộ trình này chỉ ra bảy hoạt động có tác động cao có thể giúp cho ngành y tế cắt giảm thêm 44 gigatton lượng phát thải trong 36 năm, tương đương với việc giữ hơn 2,7 tỷ thùng dầu trong lòng đất mỗi năm.

Chất thải y tế (Ảnh minh họa:chatthaiyte.vn) 

Lộ trình cũng vạch ra cho ngành y tế ở các quốc gia khác nhau những quỹ đạo khử cacbon riêng biệt. Các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn trong lĩnh vực y tế cần phải giảm lượng khí thải nhanh nhất và nhiều nhất. Trong khi đó, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình với ít trách nhiệm hơn có thể thực hiện các giải pháp khí hậu thông minh để phát triển cơ sở hạ tầng y tế của họ, đi theo một quỹ đạo ít “độ dốc” cho mục tiêu không phát thải. Bộ hướng dẫn cũng có đề xuất cho ngành y tế Việt Nam, đứng thứ 20 trong tổng số 68 nước trong báo cáo về lượng phát thải ròng và gây ra 2,4% lượng tổng phát thải cả nước.

Bản Hướng dẫn Lộ trình Toàn cầu mới cho thấy 84% lượng phát thải khí hậu của ngành là từ nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong các hoạt động của cơ sở y tế, chuỗi cung ứng và nền kinh tế rộng lớn hơn đi kèm. Trong đó bao gồm than, dầu và khí đốt dùng để cung cấp năng lượng vận hành cho các bệnh viện, hoạt động đi lại liên quan đến y tế, sản xuất và vận chuyển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Josh Karliner, Giám đốc Chương trình và Chiến lược Quốc tế về Chăm sóc Sức khỏe Không có Tác hại và là đồng tác giả Bản Hướng dẫn Lộ trình cho biết: “Chúng ta đang trải qua cùng lúc tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sức khỏe, bao gồm gia tăng bệnh hô hấp do ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch và những ca bệnh do tác động khí hậu nghiêm trọng như cháy rừng gây ra. Ngành y tế không chỉ chịu gánh nặng của hai cuộc khủng hoảng này, mà còn trớ trêu thay cũng góp phần gây ra chúng thông qua lượng khí thải của chính nó. Các nhà lãnh đạo y tế buộc phải đi đầu làm gương và hành động ngay bây giờ để đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Lộ trình này giúp vạch ra con đường theo hướng đi đó,”

Bản Hướng dẫn Lộ trình đưa ra dữ liệu chi tiết về phát thải ngành y tế của 68 quốc gia và các khuyến nghị cụ thể cho chính phủ, các cơ quan quốc tế, khu vực tư nhân để đạt được các mục tiêu khử cacbon và tạo ra nền y tế ưu việt và công bằng hơn. Các khuyến nghị cho các chính phủ bao gồm đưa quá trình khử cacbon trong ngành y tế vào các cam kết Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris và phát triển các chính sách khí hậu liên ngành mạnh mẽ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ quá trình khử cacbon và khả năng phục hồi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Hiện đã có những ví dụ điển hình hệ thống y tế các nước áp dụng các kế hoạch không phát thải. Hệ thống Y tế Quốc gia của Anh đã công bố mục tiêu năm 2040 không phát thải ròng. Gần đây nhất, Argentina đã đưa việc giảm lượng khí thải carbon trong chăm sóc sức khỏe vào các kế hoạch khí hậu của mình. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe là tiếng nói quan trọng trong việc yêu cầu các chính phủ mạnh mẽ hơn nữa trong hành động vì khí hậu. Vào tháng 5 năm ngoái, 40 triệu người làm việc trong ngành y tế đã ký một tuyên bố yêu cầu các nhà lãnh đạo G20 tập trung vào sức khỏe cộng đồng và phục hồi xanh khi lên kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Gần đây nhất, nghiên cứu Lancet đã công bố rằng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng mỗi năm../.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực