Khám, chữa bệnh từ xa là bước tiến lớn của ngành Y tế

Thứ sáu, 25/09/2020 21:37
(ĐCSVN) - Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là bước tiến lớn của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe toàn dân. Kết quả này thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu ấn nút khánh thành
1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. (Ảnh: TL) 

Chiều 25/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế; hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước và 2 điểm cầu tại Lào và Campuchia.

Theo Bộ Y tế, việc kết nối 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh của gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là kết quả của gần 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth). Qua hình thức này, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu ở vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé… Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, một buổi hội chẩn trực tuyến có thể cho phép nhiều bệnh viện tuyến dưới cùng tham gia, chia sẻ và học hỏi về chuyên môn y khoa. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện từ thông minh.

Theo quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thông qua các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.

Để lan tỏa và phát triển bền vững các hoạt động của chương trình khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật… nhằm thực hiện thành công đề án này.

Đặc biệt, Đề án có sự kết nối với một số bệnh viện tại Lào và Campuchia, cho thấy trách nhiệm của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Đây là bước đi quan trọng để quảng bá hình ảnh về nền y tế phát triển và có trách nhiệm của Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là bước tiến lớn của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe toàn dân. Kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đánh giá Đề án khám, chữa bệnh từ xa có ý nghĩa nhân văn cao cả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân trên mọi miền của Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và nguy cơ dịch vẫn hiện hữu với nước ta.

Với việc 23 ngày qua, cả nước không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng, việc khám, chữa bệnh từ xa đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống COVID-19. Việt Nam tự hào là quốc gia lần thứ hai khống chế thành công dịch bệnh nhờ sự quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Nhiều mô hình phòng, chống dịch hiệu quả được đề xuất và triển khai, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.

Thủ tướng nêu rõ, thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã cho thấy nhiều lợi ích, như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém, an toàn; không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện và tập trung đông bệnh nhân dễ lây nhiễm tại các tuyến.

Từ đó, Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới đây khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Việc mở rộng các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa vẫn rất cần thiết, không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên toàn tuyến, khám, chữa bệnh từ xa mà còn giúp tạo nền tảng số cho ngành y tế, lưu trữ tài liệu, dữ liệu cho các công trình nghiên cứu sâu hơn.

Thủ tướng mong muốn số điểm cầu kết nối nhiều hơn con số 1.000 hiện nay trên tinh thần “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”; nhanh chóng mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối quốc tế.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết hành lang khám, chữa bệnh từ xa đã được mở sang hai nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước  tiên tiến để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ có trình độ cao. 

Tin tưởng Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được lan tỏa và bền vững, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực chủ động triển khai tốt Chương trình khám, chữa bệnh từ xa. Định kỳ phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này. Cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý về khám, chữa bệnh từ xa; phối hợp cùng các đơn vị công nghệ thông tin phát triển các nền tảng, các ứng dụng công cụ trực tuyến để đảm bảo phát triển một chu trình khép kín cho khám, chữa bệnh từ xa; việc chẩn đoán, tư vấn, điều trị và bí mật thông tin người bệnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Tập đoàn Viettel và các đơn vị viễn thông triển khai Đề án đi kèm với đào tạo, bảo đảm lực lượng vận hành hệ thống ổn định trên toàn quốc, nâng cấp phát triển phần mềm liên tục để đáp ứng các nhu cầu. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong y tế; xây dựng từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên công nghệ số. Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh phát triển nền tảng công nghệ trong lĩnh vực y tế, như: hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, quản trị y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, đảm bảo tính bảo mật thông tin…

Đối với UBND các tỉnh, Thành phố, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên để để triển khai tốt chương trình khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường truyền thông để lan tỏa và nhân rộng mô hình khám, chữa bệnh từ xa. Ưu tiên đầu tư các cơ sở y tế trên địa bàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế.

Thủ tướng cũng đề nghị các thầy thuốc cần phát huy trí tuệ, tinh thần giúp đỡ, hướng dẫn triển khai tích cực chương trình khám, chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Từ thành công này, Thủ tướng mong muốn Bộ Y tế tiếp tục triển khai chương trình, đề án ứng dụng công nghệ hiện đại để trở thành một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực