Kiên Giang nỗ lực ngăn nước mặn xâm nhập sâu

Thứ ba, 23/02/2010 14:06

Do nắng hạn xuất hiện sớm, nên nhiều địa bàn trong tỉnh Kiên Giang bị nước mặn xâm nhập trên diện rộng, nhất là các vùng nằm dọc theo ven biển, có nơi nước mặn vào sâu đến hàng chục kilômét.

Toàn bộ sông cái lớn có chiều dài khoảng 50km nối 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và 4 huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng đã bị nước mặn xâm nhập sâu từ gần 2 tháng nay và đang tăng dần lên.

Gần 50% vùng nội đồng thuộc thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương cũng bị nước mặn xâm nhập.

Hiện độ mặn trung bình ở nhiều khu vực trong tỉnh lên đến 13 phần ngàn, có nơi độ mặn đo dược lên 15 phần ngàn, cao hơn cùng kỳ năm trước 3 phần ngàn. Đặc biệt, từ ngày 16 đến 21/2, do ảnh hưởng triều cường nên nước mặn càng xâm nhập sâu vào nhiều khu vực khác mới trên địa bàn tỉnh, tác động xấu đến nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa và các loại rau màu khác.

Kiên Giang là một tỉnh có diện tích lúa đông xuân khá lớn với khoảng 275.000ha, trong đó có gần 20.000ha đông xuân sớm và lấp vụ đã được thu hoạch, hiện phần lớn diện tích còn lại đang phát triển khá tốt và đang đồng loạt đồng trổ. Để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, ngoại trừ một số vùng chủ động được nguồn nước tưới, một số huyện khác bị ảnh hưởng mặn một phần trước đó cũng đã bơm trữ nước ngọt giữ độ ẩm cho lúa.

Tại vùng tứ giác Long Xuyên, tất cả các cống lớn xã lũ ra biển tây được đóng lại để ngăn mặn xâm nhập và trữ ngọt từ sông Hậu đổ về, do vậy phần lớn diện tích lúa đông xuân trong toàn tỉnh cơ bản được bảo vệ trước tình nước mặn xâm nhập, ngoại trừ khoảng 5.000ha đông xuân muộn và ruộng lấp lại diện tích nuôi tôm thuộc vùng U Minh Thượng khả năng sẽ bị thất thu hoặc mất trắng do thiếu nguồn nước tưới và nằm trong khu vực bị nước mặn bủa vây./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực