Môi trường, nguồn sống trên sông Mekong bị đe dọa

Thứ sáu, 05/02/2010 09:35

  
Sông Mekong là nơi sinh kế của hàng triệu người dân trên lưu vực. (Ảnh: kinhtenongthon.com) 

Ngày 3/2, tại Cần Thơ, Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức diễn đàn quốc tế về “Môi trường và nguồn sống trên sông Mekong”.

Diễn đàn đã xác định dòng sông Mekong là dòng sông quan trọng đảm bảo sinh kế trực tiếp của hàng triệu người dân trên lưu vực và an ninh lương thực thế giới.

Hiện nay, trong lưu vực sông Mekong, Việt Nam và Thái Lan là hai 2 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong tương lai, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hàng loạt công trình thủy điện của các nước trong khu vực sông Mekong (Trung Quốc, Lào, Campuchia...) thi nhau mọc lên sẽ khiến cho lưu lượng nước dòng Mekong giảm chỉ còn 2/3 so với những thập kỷ trước.

Vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng hạ lưu của sông Mekong thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, nguy cơ xâm mặn ngày càng lớn, gây sự suy thoái sinh học dòng sông không thể phục hồi được.

Theo thống kê của Liên minh bảo vệ sông Mekong, trải dài từ thượng lưu đến hạ lưu sông Mekong có 16 đập thủy điện đã và đang xây dựng. Khu vực này cũng có hàng trăm dự án chằng chịt trên các nhánh chính và nhánh rẽ của dòng sông.

Nếu như cộng đồng lưu vực sông Mekong và các tổ chức thế giới không có biện pháp tích cực bảo vệ dòng sông này về lâu dài thì tương lai của dòng sông Mekong, các cộng đồng dân cư hai bên bờ và an ninh lương thực thế giới có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia đến từ Thái Lan cũng nhận định, do các hoạt động phát triển kinh tế trong lưu vực dòng sông Mekong liên tục bị áp lực nặng nề làm suy giảm chất lượng nước, đa dạng sinh học của tự nhiên và đe dọa sinh kế của cư dân địa phương.

Tình hình này ngày càng nguy hiểm và phức tạp hơn do ngày càng có nhiều công trình đập, thuỷ điện đã, đang và sẽ xây dựng.

Thực trạng trên sẽ làm cho dòng sông bị vỡ vụn thành nhiều mảng và ngăn cách con đường sinh tồn của các loài thủy sản nuôi sống hàng triệu người dân sinh sống men theo dòng sông.

Một số đại biểu đến từ tổ chức quốc tế hoạt động trong tiểu vùng sông Mekong cho rằng, các quốc gia trong lưu vực nếu lợi dụng dòng sông để làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế mà không chú ý về môi trường nước và nguồn sống của lưu vực thì sẽ là việc làm thiếu sáng suốt.

Vấn đề này các quốc gia trong lưu vực nói chung và Việt Nam nói riêng đã cảm nhận được, qua các tác động nặng nề do những biến động không tự nhiên từ vùng thượng nguồn đến cuộc sống và sự phát triển của người dân vùng hạ lưu.

Bà Ngụy Thị Khanh, Phó Giám đốc Tổ chức mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh, dù sống trên thượng nguồn hay hạ lưu thì tất các các quốc gia trong lưu vực sông Mekong đều "trên một con thuyền".

Do đó, bà hi vọng diễn đàn này sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học, người dân địa phương hiểu rõ hơn về các tổn thất mà các hoạt động phát triển không bền vững của các quốc gia trong lưu vực sông Mekong đang góp phần “bức tử” hệ sinh thái và nguồn nước của dòng sông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực