Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá

Thứ năm, 19/11/2020 11:08
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị, đông đảo đại diện các cơ quan báo chí và truyền thông, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị… tại Đà Nẵng và các địa bàn lân cận được Bộ TT&TT và Bộ Y tế thông tin các chuyên đề có liên quan đến tình hình và kết quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
 TS Võ Thanh Lâm, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT thông tin về công tác đẩy mạnh thông tin trên báo chí về PCTHTL (ảnh: Đình Tăng).

Sáng 19/11 tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chia sẻ kinh nghiệm và kết quả trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Bộ TT&TT, TS Võ Thanh Lâm, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực nhận thức, đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trên cơ sở đó, các cơ quan thông tin, báo chí trong toàn quốc đã vào cuộc một cách nghiêm túc và hiệu quả.  “Thông qua báo chí, nhận thức của xã hội trong phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã được nâng cao. Cùng với hoạt động theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách PCTHTL được thông tin đầy đủ, đa dạng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin truyền thông và báo chí, nhất là các hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá, trong đó có việc xây dựng và triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có thuốc lá; các kết quả sau 05 năm hoạt động công tác PCTHTL; các quy định xử phạt và chính sách về PCTHTL…” - TS Võ Thanh Lâm cho hay.

Theo đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), qua điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GSTS) năm 2015 và điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong nhóm thanh niên tại Việt Nam (GYTS) năm 2014, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống còn 45,3%); tỷ lệ hút thuốc chung ở nam giới khu vực thành thị giảm 5% (từ 47,7% xuống 42,7%); giảm sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam từ 3,3% năm 2007 xuống còn 2,5% năm 2014.

Thông tin về kết quả xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có thuốc lá, theo Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) thì đến nay, tại Việt Nam 100% tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTHTL, đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm.

Đồng thời, theo báo cáo của các đơn vị, số lượng các đơn vị xây dựng môi trường không thuốc lá khá ấn tượng; trong đó có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường  trung học phổ thông; 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc; 208 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách; 4.442 nhà máy, xí nghiệp cấm hút thước nơi làm việc; 305 nhà hàng, 400 khách sạn cũng cấm hút thuốc…

Theo Ths Nguyễn Thanh Hương (Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc Bộ Y tế), qua 05 năm hoạt động công tác PCTHTL đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá có nhiều chuyển biến, đặc biệt là tại các trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc lá gần như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang… tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẵn việc mời hút thuốc lá.

Cạnh đó, hành vi hút thuốc lá nơi công cộng ngày càng được cộng đồng không chấp nhận. Nhiều người không hút thuốc đã nhận thức được quyền được bảo vệ sức khỏe, được sống trong môi trường không có khói thuốc và dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút thuốc tại nơi có quy định cấm.

 Quang cảnh tại Hội nghị tập huấn. Ảnh: Đình Tắng

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành ở Việt Nam đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (45,3%); tỷ lệ tiếp xúc thụ động với thuốc lá còn cao tại các nhà hàng, quán bar…; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn còn diễn ra; thuốc lá được bày bán nhiều nơi, giá thuốc lá vẫn còn rẻ.

Theo Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), nguyên nhân của tình hình trên có nhiều nhưng tập trung ở việc vi phạm quy định cấm trưng bày quảng cáo một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn thuốc lá rất cao: gần 90% điểm bán lẻ thuốc lá vi phạm quy định trưng bày thuốc lá; việc chấp hành trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc được quy định trong Luật PCTL chưa nghiêm; nhiều cơ quan, đơn vị chưa có quy định cấm hút thuốc trong quy chế nội bộ, còn để xảy ra tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc tại địa điểm do mình quản lý.

Cùng với các nguyên nhân trên, thuế thuốc lá tại Việt Nam còn rất thấp (chỉ chiếm 70% giá xuất xưởng và tính trên giá bán lẻ là 42%). Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc rẻ (trung bình 1 bao thuốc lá 20 điếu có xu hướng giảm, khoảng 12.700 đồng/bao năm 2010 và 11.819 đồng/bao năm 2015 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Ngoài ra, gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha… Các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia quảng bá gây nhầm lẫn nhằm mở rộng việc tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước, trong đó có Việt Nam...

Tại Hội nghị, Bộ TT&TT cũng thông tin về tình hình thực hiện Luật PCTHTL và các quy định xử phạt vi phạm hành chính PCTHTL; Chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá điện tử và nung nóng…/.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực