Nhà khoa học trẻ với đam mê nghiên cứu khí tượng thủy văn

Thứ hai, 19/04/2021 11:19
(ĐCSVN) – Với đề tài xuất sắc nghiên cứu về “Biến động của mưa trong chu kì dao động từ 10-90 ngày ở Việt Nam”, TS. Bùi Minh Tuân đển từ Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được xướng tên trong danh sách đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố.
TS Bùi Minh Tuân giới thiệu về đề tài nghiên cứu qua thiết bị công nghệ mới tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. (Ảnh: Bích Liên) 

Dù thuộc thế hệ 8X nhưng ở TS Bùi Minh Tuân (sinh năm 1988) luôn toát lên sự năng động, đầy nhiệt huyết, sự chân thành của một thầy giáo, sự nghiêm túc của một nhà khoa học.

Giữ nguyên tâm trạng xúc động, vui mừng khi tên mình được xướng ở hạng mục đề cử “Giải thưởng trẻ” của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021, TS Tuân tâm sự, đây là giải thưởng danh giá, vinh dự đối với người trẻ như anh. 

Kể về công trình của mình,TS. Bùi Minh Tuân cho biết: Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhu cầu các bản tin dự báo càng phải có độ chính xác hơn và hạn dự báo dài hơn. Các thông tin dự báo hạn vừa (từ 2 tuần tới 3 tháng) và hạn dài (từ 3 tháng trở lên) ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc lên kế hoạch cho các hoạt động sản xuất, dự báo bệnh dịch và phòng tránh thiên tai. Tuy nhiên, đây vẫn đang là một thách thức lớn đối với ngành khí tượng cả ở Việt Nam và trên thế giới. Mặc dù ngành khí tượng đã có sự phát triển vượt bậc trong những thập kỉ qua, tuy nhiên mưa vẫn là yếu tố khó dự báo nhất. Trong giai đoạn đầu phát triển, dự báo thời tiết nói chung và mưa nói riêng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chủ quan của dự báo viên nên độ chính xác không cao.

Ở thời điểm hiện tại, những mô hình thời tiết đã được chạy trên những siêu máy tính lớn dự báo nghiệp vụ, độ chính xác của các bản tin dự báo là tương đối cao với hầu hết các biến khí quyển, tuy nhiên khả năng dự báo mưa của mô hình vẫn còn rất hạn chế. “Do đó, tôi đã quyết định chọn hướng nghiên cứu các biến động của mưa trong quy mô thời gian này ở Việt Nam”, TS trẻ Bùi Minh Tuân cho biết.

TS Bùi Minh Tuân cũng cho hay, anh bắt đầu tìm hiểu hiểu và nghiên cứu đề tài từ năm 2013 và được công bố năm 2019.  “Ý tưởng ban đầu của tôi xuất phát từ việc nhận thức về sự phức tạp của hệ thống khí hậu Việt Nam. Trên thế giới, các hệ thống gió mùa lớn như gió mùa Đông Á, gió mùa Nam Á và gió mùa Tây Bắc Thái Bình Dương được nghiên cứu rất nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong khu vực giao tranh của các hệ thống gió mùa này, các nghiên cứu về mưa ở Việt Nam lại tương đối ít. Những vấn đề về các đặc trưng mưa và cơ chế thực sự gây mưa ở Việt Nam vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng khí tượng. Do đó, tôi hướng đến giải quyết vấn đề này”, TS Tuân chia sẻ.

Dựa trên phương pháp phân tích tổng hợp (composite), nghiên cứu của TS Tuân đã chỉ ra 4 hình thế quy mô lớn liên quan đến sự biến động của mưa chu kì 10-90 ngày ở Việt Nam. Từ đó, các cơ chế vật lí giải thích cho sự biến động mưa ở Việt Nam cũng được chỉ ra. Việc đưa ra được cơ chế vật lí là cực kì quan trọng để xây dựng các phương pháp dự báo mưa trong tương lai của Việt Nam. Hệ thống lí thuyết này có thể coi là cơ sở để các nhà nghiên cứu và các dự báo viên xem xét các nhân tố tác động tới sự biến động mưa ở Việt Nam trong các chương trình dự báo mưa của mình.

Để hoàn thành đề tài, TS trẻ Bùi Minh Tuân đã trải qua nhiêu khó khăn, tuy nhiên theo anh tất cả những điều đó cũng là khó khăn chung của những người làm khoa học tại Việt Nam. “Bản thân đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc nhưng niềm đam mê với ngành nghề đã giữ tôi ở lại. Hiện giờ, với tôi quan trọng nhất là mỗi sáng thức dậy, được sống và theo đuổi đam mê của mình. Cuộc sống không phải là chiếc hộp hoàn hảo, nơi mà thành công sẽ luôn đến, nhưng cơ hội sẽ đến với những người cố gắng”, TS Bùi Minh Tuân cho biết.

Trải qua những tháng ngày không ngơi nghỉ, cống hiến với đam mê, những cố gắng của TS Tuân đã được đền đáp. Tháng 4/2019, công trình nghiên cứu của TS Tuân được công bố trên tạp chí khí hậu của Hoa Kỳ, một trong những tạp chí có truyền thống nhất của ngành Khoa học khí quyển.

Những kết quả chính của nghiên cứu chỉ ra rằng, mưa ở Việt Nam có sự biến động theo quy luật với chu kì trong khoảng 10-25 ngày. Cơ chế vật lý của các biến động này đã được chỉ ra. Quan trọng hơn, các dao động có mối liên hệ chặt chẽ với sự xuất hiện của mưa lớn ở Việt Nam. Đây là cơ sở lý thuyết quan trọng để cải thiện khả năng dự báo mưa và mưa lớn ở hạn mở rộng cho khu vực Việt Nam.

Khẳng định sẽ mãi mãi cống hiến và đam mê với nghiên cứu khoa học, TS Bùi Minh Tuân cho hay: Trong thời gian tới, anh hi vọng có thể đẩy mạnh hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác ở Trung tâm Khí tượng Thủy văn và Viện Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn để tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu về dự báo mưa trong thời gian dài hơn. “Cá nhân tôi đang ấp ủ ý tưởng xây dựng một trang web riêng chuyên về lĩnh vực khí tượng thủy văn. Hi vọng đây sẽ là kênh trao đổi, chia sẻ những kiến thức và ứng dụng của khí tượng thủy văn trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, hàng không…trong thời gian gần nhất”, TS Bùi Minh Tuân chia sẻ. 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao tặng hàng năm bởi Bộ KH&CN nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Năm 2021, cùng với TS. Bùi Minh Tuân, PGS. TS. Ngô Đức Thành, một nhà khí tượng nổi tiếng được đề cử hạng mục “Giải thưởng chính” của giải thưởng này. 
Bích Liên - Thúy Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực