Phát triển, bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 16/12/2020 17:53
(ĐCSVN) – Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đã tạo đột phá về phát triển để kiến tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn và thịnh vượng.

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). 

leftcenterrightdel
Ảnh hưởng của BĐKH khiến các tỉnh ĐBSCL sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN) 

Phóng viên (PV): Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, việc triển khai các chương trình tổng thể, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về Nghị quyết 120 đã đạt được những kết quả cụ thể thế nào, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Sau khi Nghị quyết 120 được ban hành vào ngày 17/11/2017, Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự hưởng ứng của người dân, kết quả thực hiện nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển.

Các hoạt động đầu tư công có tính dẫn dắt, thúc đẩy, kết nối, giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh được quan tâm; hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ĐBSCL: tổng số vốn đầu tư cho ĐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016-2020); đầu tư qua địa phương đạt khoảng 200,000 tỷ; hỗ trợ đầu tư có mục tiêu 42.322 tỷ đồng…

Hiện nay, Chính phủ xem xét thông qua Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với số vốn 1,05 tỷ USD (tương đương 24.302 tỷ đồng).Trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho ĐBSCL. Riêng Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất chủ trương đầu tư 38 dự án cho ĐBSCL với số vốn 94.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết đã thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng. Xung đột giữa các mô hình kinh tế đã và đang được giải quyết; kết nối liên vùng đang được thúc đẩy thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ.

Cùng với đó các chương trình ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đang được triển khai thực hiện tập trung vào những vấn đề cấp bách…

leftcenterrightdel

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu.

(Ảnh: Khánh Ly) 

PV: Nghị quyết 120 được đánh giá là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, từ những kết quả nêu trên, xin ông cho biết, tư duy tiếp cận mới đã thay đổi toàn diện bộ mặt ĐBCSL như thế nào?

Ông Tăng Thế Cường: Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH và an toàn, thịnh vượng.

Phương châm “thuận thiên” mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra được quán triệt thực hiện, qua đó, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm "thuận thiên" đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chiến lược, chương trình, dự án chuyển đổi quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh. Qua quá trình triển khai nghị quyết, nhận thức của nhân dân đã được nâng cao để thích ứng với BĐKH một cách chủ động, bình tĩnh và linh hoạt. Đã tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực; đã thúc đẩy được quy hoạch kết nối liên vùng. Mặc dù, phát triển, bảo vệ vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ mang tính dài hạn trong khi chúng ta mới triển khai thực hiện Nghị quyết 120 được 3 năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định được sự những thay đổi, sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đồng bằng quan trọng bậc nhất nước ta; đời sống nhân dân tốt hơn, đặc biệt là mô hình sản xuất, cơ cấu sản phẩm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân chủ động hơn. Kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL.

PV: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ phương châm hành động của Chính phủ khi đầu tư nguồn lực, triển khai Nghị quyết 120 là: “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng”. Trong 3 năm qua, phương châm này đã được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Trong thời gian qua, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của ĐBSCL, với sự vào của của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Từ phương châm hành động của Chính phủ, tôi muốn nhấn mạnh vào vai trò của Chính phủ đóng là người kiến tạo trong phát triển, bảo vệ ĐBSCL, với việc tập trung thực hiện các dự án mang tính “hạt giống”, tạo hành lang, sân chơi cho các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư cho vùng ĐBSCL với sự tham gia của cả người dân. Điều đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bởi phát triển, bảo vệ ĐBSCL cần có sự tham gia đầy đủ, đúng vai trò của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nôngthôn.

Các bộ đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng, như chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, CCHC nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư triển khai các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo… đã làm thay đổi bộ mặt của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

PV: Thưa ông, một trong những khó khăn hiện nay khi triển khai Nghị quyết 120 là chưa có cơ chế đặc thù để thực hiện do vẫn phải trong khuôn khổ tổng thể chính sách phát triển chung của cả nước, theo quy định của pháp luật. Ông có những chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Tăng Thế Cường: Để phát triển ĐBSCL cần phải có một cơ chế đặc thù, tuy nhiên cũng phải đặt chung trong bối cảnh quốc gia và cân đối với các vùng, miền khác.

Mặc dù, các cơ chế này vẫn chủ yếu về tăng cường các trao đổi ở cấp độ chính sách về liên kết vùng. Tuy nhiên, với việc hình thành các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh; Tổ chuyên gia tư vấn để giúp Hội đồng hoạt động hiệu quả, tham mưu cho Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quy mô vùng, liên vùng để phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Đây là nền móng ban đầu cho việc hình thành và thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội của ĐBSCL, tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực