Tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài

Thứ hai, 30/11/2020 20:15
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh hơn phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mở rộng quy mô từ xã, huyện, tỉnh đến cả nước.

Chiều 30/11, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại hội nghị.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TG) 

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Đề án được thực hiê%3ḅn 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn thí điểm từ năm 2014-2015 và giai đoạn đại trà từ năm 2016-2020. 

Nhận định khái quát việc thực hiện, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định: "Việc ban hành Quyết định 281/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gai đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" là hoàn toàn đúng đắn, hợp với lòng dân nên được nhân dân ủng hộ, phấn khởi thực hiện".

Sau 5 năm thực hiện đại trà Quyết định, chỉ tiêu phấn đấu về các mô hình học tập của các địa phương đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra từ 2% đến 35%, trong đó, tỷ lệ gia đình học tập đạt 71,77%; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51%; tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 65,38%; tỷ lệ đơn vị học tập đạt 85,73%. 

Kết thúc thực hiện Đề án (giai đoạn 2016-2020), tổ chức hội và hội viên cả nước đã tăng dần qua các năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, tổng số hội viên hội khuyến học là trên 21 triệu người.

Đáng chú ý, để có nguồn lực động viên các cá nhân, tập thể trong thực hiện các mô hình học tập, bằng nhiều các làm sáng tạo, năng động, các địa phương đã tổ chức nuôi heo đất, luống rau khuyến học… và huy động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… vào quỹ khuyến học. Hàng năm, hội khuyến học các địa phương đã trao hàng ngàn suất học bổng cho cả người lớn và học sinh các cấp học có nhiều thành tích trong học tập, trong nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt và học sinh nghèo vươn lên học tốt.

Cùng với đó, hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phát triển phủ kín gần 100% xã, phường. Đến nay, cả nước có trên 11 nghìn Trung tâm, bình quân mỗi năm có gần 20 triệu lượt người đến tham gia học tập….

Tuy nhiên, theo báo cáo, dù đạt và vượt mục tiêu của Đề án, song chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu của tiêu chí; trong đó, tiêu chí phấn đấu về gia đình học tập trong toàn quốc thì đạt song một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Công tác tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập mới đạt ở chiều rộng, chưa có chiều sâu, nhất là địa bàn khu dân cư vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc. Trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều, nhất là bộ phận người dân lao động ở nông thôn nên chưa đáp ứng yêu cầu của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

GS.TS Phạm Tất Dong cho biết, Hội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ các gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt các danh hiệu học tập với chất lượng cao hơn, đều tăng từ 10-20% so với năm 2020. Phát triển tổ chức hội và hội viên trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu; phát triển quỹ khuyến học ở tất cả các tổ chức hội. Phấn đấu thực hiện tốt xây dựng và phát triển mô hình “Công dân học tập” theo quyết định 489-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những kết quả, thành tựu của ngành giáo dục không thể thiếu vai trò, sự đóng góp của các cấp hội khuyến học trong cả nước.

Nhìn lại việc thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ là các chỉ số về số lượng gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt và vượt chỉ tiêu, mà điều quan trọng hơn là khi thăm dò ý kiến nhân dân về tầm quan trọng của việc gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập thì nhân dân đều đánh giá Đề án này tiếp tục thực hiện sẽ tiếp tục giúp đất nước phát triển, đặc biệt là giúp cho đoàn kết, tình làng nghĩa xóm cộng đồng, trật tự trên địa bàn tốt hơn.

Về những hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu đề ra thì lí do căn bản nhất là nơi đó cấp ủy và chính quyền chưa quan tâm sát sao; do những vấn đề văn hóa, giáo dục chưa mang tính bức bách, cấp thiết nên chưa được quan tâm, chú ý bằng những vấn đề kinh tế trước mắt. “Nếu các đồng chí nói coi trọng văn hóa, giáo dục nhưng không chỉ đạo, chưa dành nguồn lực đúng mức thì chứng tỏ nhận thức chưa được như lời nói, chưa đi đôi với làm”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó cũng có thực tế, do nhận thức khuyến học thường dành cho những đối tượng trình độ thấp nên ở những đô thị lớn, phát triển thì phong trào này không mạnh, không sôi nổi như ở khu vực nông thôn, thậm chí miền núi.

Từ kết quả thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh hơn phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mở rộng quy mô từ xã, huyện, tỉnh đến cả nước. “Đây không phải chỉ là việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội khuyến học mà là của cả hệ thống chính trị” – Phó Thủ tướng Vũ Đức nhấn mạnh./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực