Tỷ lệ thí sinh ảo xét tuyển đại học 2017 sẽ thấp hơn năm trước

Thứ ba, 13/06/2017 14:37
(ĐCSVN) - Tỷ lệ thí sinh ảo xét tuyển vào đại học (ĐH) 2017 sẽ thấp hơn năm 2016, vì mặc dù thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ trúng 1 trường, trong khi đó năm 2016 mỗi thí sinh được trúng 2 trường. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT. Ảnh: VA

Bà Kim Phụng cho hay, năm nay là năm thứ ba của quá trình đổi mới về thi và tuyển sinh. Nếu nhìn một cách tổng thể thì không phải mỗi năm đều có thay đổi khác đi. Mà thay đổi năm nay đều có tính kế thừa và khắc phục những khuyết điểm của những năm trước.

Làm rõ hơn nội dung cần đặc biệt lưu ý trong tuyển sinh năm nay, đó là về thời điểm thí sinh đăng ký sớm hơn 2 năm trước để cho các thí sinh sẽ có thời gian, đích, hướng tới để phấn đấu, ổn định trong quá trình học và thi trong thời gian cuối cấp này. Các trường cũng nắm được tỉ lệ thí sinh dự kiến vào trường mình để có kế hoạch tuyển sinh chủ động.

Năm nay, thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng mở ra cho thí sinh cơ hội trúng tuyển cao hơn nhưng quan trọng hơn là để làm cho các em chọn được ngành nghề mình yêu thích cho phù hợp với năng lực của mình vào những trường ở những phân khúc khác nhau ở chất lượng.

Hiện nay, đã có 640.431 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, bằng 73,9% số thí sinh đăng ký dự thi. Thống kê về số lương nguyện vọng thì có tới 50% thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển từ 1 đến 3 nguyện vọng, trong đó 13% thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thôi, như vậy khá tập trung. Có 30% thí sinh đăng ký từ 4-5 nguyện vọng. Như vậy đăng ký từ 1 đến 5 nguyện vọng đã chiếm 80%; đăng ký từ 6 – 10 nguyện vọng có đến 18%. Cộng lại đăng ký cho đến 10 nguyện vọng có đến 98%. Còn 2% còn lại thì  đăng ký từ 11-15 là 1,7%. Chỉ còn 0,3% đăng ký  trên 15 nguyện vọng. Và thí sinh đăng ký nhiều nhất là 48 nguyện vọng.

“Sau khi có kết quả thi các em được điều chỉnh nguyện vọng. Việc điều chỉnh nguyện vọng này nó chủ yếu là để cho thí sinh tăng cơ hội xét tuyển và để cho thí sinh xác định những trường mình đăng ký phù hợp với điểm thi của mình và cũng để lựa chọn những ngành phù hợp với năng lực và sở trường, nguyện vọng, yêu thích của mình. Các trường đã công bố đề án tuyển sinh thì phải thực hiện. Vừa rồi, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch định điều chỉnh, nhưng sau khi xem xét thì không điều chỉnh nữa” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nói.

Điểm nữa, nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh chỉ trúng tuyển vào ngành ưu tiên cao nhất trong tất cả các nguyện vọng đã đăng ký. Đó là xét tuyển lần 1. Còn đối với xét tuyển bổ sung thì Bộ dự kiến hầu hết các chỉ tiêu đã được tập trung giải quyết trong đợt 1 cho nên đợt xét tuyển cuối số các trường và các thí sinh tự do linh hoạt trong khả năng của mình cũng như trong số chỉ tiêu còn lại.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho hay, năm nay, tất cả các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh. Nếu như năm trước, trường nào tuyển sinh riêng thì mới phải xây dựng đề án tuyển sinh. Năm nay, đề án tuyển sinh của các trường là nhằm cung cấp thông tin cho thí sinh biết có những ngành nào? đầu vào thế nào? đầu ra ở những vị trí việc làm nào? tỉ lệ sinh viên có việc làm ra sao? các điều kiện đảm bảo chất lượng? Tất cả những thông tin đó để cung cấp cho thí sinh họ lựa chọn trường.

Đề cập đến tỷ lệ thí sinh xét tuyển ĐH, bà Kim Phụng lưu ý năm nay tỷ lệ thí sinh ảo sẽ thấp hơn năm 2016 vì mặc dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ trúng 1 trường, trong khi đó năm 2016 mỗi thí sinh được trúng 2 trường.

“Bộ GD&ĐT đã nói với các trường là không thể mang kinh nghiệm của năm trước sang năm nay để phòng nhiều thí sinh ảo. Năm nay với công cụ hỗ trợ, nếu các trường tuyển vượt nhiều thì chắc chắn Bộ sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết hơn. Bởi vì Bộ đã hỗ trợ  thông tin về phần mềm và hỗ trợ theo nguyện vọng của các trường là mỗi em chỉ trúng 1 nguyện vọng trong đợt đầu” – bà Kim Phụng nhấn mạnh.

Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khẳng định, hiện nay công tác chuẩn bị tương đối hoàn tất. Các văn bản pháp luật ban hành rất sớm, đến bây giờ quy chế, hướng dẫn, kế hoạch tương đối đầy đủ.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cổng thông tin tuyển sinh. Hệ thống phần mềm đã được hoàn thiện và được chuẩn bị. Ngoài phần mềm liên quan đến công tác thi, công tác tuyển sinh thì có phần mềm hỗ trợ cho các trường để các trường xét tuyển, rồi phần mềm lọc ảo của nhóm phần mềm lọc ảo của toàn quốc, phần mềm xét tuyển thẳng… cơ sở dữ liệu ưu tiên. Tất cả những cái này đều đã được chuẩn bị đồng bộ và sẵn sàng cho kỳ thi THTP quốc gia sắp diễn ra./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực