Giải pháp ứng dụng khoa học vào quản lý giao thông

Thứ sáu, 18/12/2020 15:05
(ĐCSVN) – Việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực giao thông là một nhu cầu cấp bách hiện nay. Nhờ thực hiện những giải pháp đồng bộ, trong những năm qua, việc quản lý, điều hành, giám sát, xử phạt trong lĩnh vực giao thông đã mang lại hiệu quả tích cực ở nhiều phương diện.

 Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ

Việc lắp camera vừa tiết kiệm nhân lực, vừa ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự giao thông. (Ảnh: ANTĐ)

Năm 2020, số người chết vì tai nạn giao thông lần đầu tiên trong 10 năm giảm xuống dưới 7.000 người, so với năm 2010 có tới 12.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông thì thấy đây là những bước tiến rất lớn. Kết quả này có được nhờ nhiều giải pháp được tiến hành đồng bộ, trong đó có việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giám sát, xử phạt trong lĩnh vực giao thông đã mang lại hiệu quả tích cực về nhiều phương diện.

Hiện nay Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội có một Trung tâm điều khiển giao thông hiện đại bậc nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước với gần 600 camera các loại. Hệ thống các thiết bị máy móc, đường truyền, camera của Trung tâm hoạt động vô cùng hiệu quả. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, hệ thống đã xử lý gần 5.000 trường hợp lái xe, phương tiện vi phạm. Trước đó, hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm cũng đã bị hệ thống camera xử phạt. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách thức xử phạt “nóng” và phạt “nguội” gửi thông báo về tận nơi cư trú, làm việc của lái xe, chủ phương tiện đã có tác động tích cực làm thay đổi ý thức của lái xe, người tham gia giao thông.

Từ Trung tâm điều khiển giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đã thiết lập được 16 tuyến làn sóng xanh về giao thông, khi hệ thống đèn tín hiệu giao thông tự động tính toán, cập nhật lưu lượng, tình hình giao thông trên đường để điều chỉnh thời gian hoạt động liên hoàn.

Hệ thống camera còn phát hiện và thông tin kịp thời cho các đơn vị, địa bàn về tình hình vi phạm mất trật tự an toàn giao thông để có biện pháp giải quyết. Trích xuất hình ảnh 149 lượt để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, điều tra khám phá các vụ án lớn xảy ra trên địa bàn thành phố.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2020, Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng triển khai xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông thông qua hệ thống camera cố định được lắp đặt tại 14 tuyến đường. Theo đó, thực hiện thí điểm xử phạt các hành vi dừng đỗ sai quy định đối với ô tô trên 14 tuyến đường thuộc khu vực trung tâm thành phố nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Nhờ hệ thống camera, những điểm nóng về vi phạm đã có chuyển biến tích cực, đường Điện Biên Phủ giảm 40%, đường Trường Sơn giảm 32%, đường Nguyễn Thái Học giảm 56%, đường Lê Duẩn giảm 62%. Điều này góp phần cải thiện tình hình giao thông và nâng cao năng lực thông hành trên các tuyến đường.

Từ giữa tháng 6, việc kiểm tra và xử lý các vi phạm qua hình ảnh được bàn giao cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP. Hồ Chí Minh đảm trách. Từ đầu năm đến nay, thông qua các hệ thống camera, đơn vị đã trích xuất 57.406 trường hợp vi phạm, xử lý được 16.735 trường hợp.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh còn chia sẻ, trung tâm đã triển khai kiểm soát tốc độ phương tiện tự động tại chín vị trí trên các tuyến đường, gồm: Ðường hầm sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu vượt Cát Lái, quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh. Trung tâm cũng đã thực hiện kiểm soát tải trọng tại bốn trạm kiểm soát tải trọng tự động trên đường Nguyễn Văn Linh, đường vành đai Ðông, đường Ðồng Văn Cống và hai trạm kiểm soát tải trọng tại Trạm thu phí An Sương - An Lạc. Tất cả các hệ thống đều được kết nối điều khiển tập trung tại trung tâm, chia sẻ cho lực lượng Thanh tra Sở Giao thông – vận tải tra cứu trực tuyến và xử lý các phương tiện vi phạm.

TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý giao thông đường bộ. (Ảnh: HNM)

TP. Hồ Chí Minh có Cổng thông tin giao thôngvà ứng dụng “TTGT TPHCM” để cung cấp thông tin về tình hình giao thông, các tiện ích trên đường. Đây cũng là kênh tương tác giữa người dân và cơ quan quản lý về các sự cố hạ tầng, kỹ thuật giao thông thông qua website và ứng dụng di động. Đưa vào hoạt động từ năm 2017, Cổng thông tin cung cấp tình hình giao thông trực tuyến, hình ảnh từ hệ thống camera giám sát giao thông độ phân giải cao giúp người dân lựa chọn lộ trình lưu thông phù hợp, tránh lưu thông qua những tuyến đường, khu vực đang xảy ra ùn tắc hoặc có mật độ phương tiện giao thông cao.

Đến nay, Cổng thông tin giao thông thành phố đã thu hút hơn 7,6 triệu lượt truy cập; ứng dụng “TTGT TPHCM” của Cổng thông tin giao thông thu hút 271.000 lượt tải. Hiện cổng thông tin được tích hợp các chức năng tra cứu thông tin giấy phép thi công, tra cứu thông tin phương tiện cấp phép lưu hành đặc biệt. Đồng thời, cổng cũng cung cấp thông tin phương tiện vi phạm lưu thông qua tốc độ cho phép, vi phạm dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định.

Ngoài ứng dụng công nghệ cung cấp thông tin cho người dân, Sở Giao thông vận tải cũng tập trung đẩy mạnh thanh toán điện tử trong giao thông, thông qua việc đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn thành phố (trạm thu phí An Sương-An Lạc, trạm thu phí cầu Phú Mỹ).Triển khai tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô trên 23 tuyến đường, cho phép thanh toán trực tuyến (không dùng tiên mặt) thông qua ứng dụng MyParking và ViettelPay trên các nền tảng Android và IOS.

Nhu cầu cấp bách

Cùng với xu thế của thế giới, việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực giao thông là một nhu cầu cấp bách hiện nay. Do đó, trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin được Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Nhiều ứng dụng quản lý được triển khai trong các cơ quan nhà nước đã góp phần nâng cao năng lực quản lý và cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn được các bộ, ngành triển khai trên diện rộng, quy mô lớn như: Số hóa quản lý văn thư, Cổng dịch vụ công quốc gia, lĩnh vực tài chính, hải quan, thuế, khám chữa bệnh, giao thông  vận tải, dân cư, đăng ký quản lý phương tiện, tai nạn giao thông và xử lý vi phạm.

Nhà nước cũng đã quan tâm đầu tư cho các đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước những hệ thống công nghệ thông tin hiện đại được triển khai với quy mô lớn như: Cơ sở dữ liệu dân cư, Cơ sở dữ liệu tàng thư, Cơ sở dữ liệu đăng ký xe, tai nạn giao thông, xử lý vi phạm, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân và các hệ thống giám sát.

Có thể nói, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, quản lý, điều hành giao thông bước đầu đã đạt hiệu quả tích cực. Đây là hướng đi cần thiết để góp phần giải bài toán giao thông, khi nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông còn hạn chế./.

 

 

 

Bảo Thư
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực