Thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển

Thứ hai, 16/05/2022 14:17
(ĐCSVN) - Thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại. Việc thúc đẩy chuyển đổi số đã giúp tạo giá trị gia tăng cao đối với sản phẩm, loại bỏ được khâu trung gian, ổn định đầu ra, qua đó tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tại nhiều địa phương.

Đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương

Bình Phước là một trong những địa phương đạt nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Hiện Bình Phước là tỉnh xếp thứ nhất cả nước về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử; xếp thứ hai về kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, Bình Phước xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

leftcenterrightdel
Bình Phước hiện là tỉnh xếp thứ nhất cả nước về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử. (Ảnh: tinhuybinhphuoc.vn)

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 218 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với 466 sản phẩm; 5 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện; 160 doanh nghiệp đang dùng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; ngành Thuế tỉnh đã và đang chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh…

Cùng với đó, Bình Phước đang triển khai “mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện” cho Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện và Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh). Với mô hình hợp tác xã chuyển đổi số toàn diện, 2 hợp tác xã được hỗ trợ xây dựng website thông tin thương mại, tham gia vào các sàn thương mại điện tử; cung cấp thiết bị, phần mềm, dịch vụ tiện ích và các giải pháp tăng nhận diện thương hiệu; giúp hợp tác xã ứng dụng quản lý sản xuất bằng các thiết bị công nghệ thông tin; camera theo dõi sản xuất, kho bãi; chữ ký số, hoá đơn điện tử, dịch vụ kế toán; xây dựng hệ thống IoT tự động trong chăm sóc vườn cây; tem mác, mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trước đó, từ cuối năm 2019, Bình Phước đã xây dựng và vận hành “Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước”. Đến nay, đã có 208 thành viên tham gia, với 354 sản phẩm chào bán trên sàn. Qua 2 năm hoạt động, Sàn đã hỗ trợ tích cực cho việc quảng bá doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giao dịch sản phẩm; thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tích cực cho việc giao thương, lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Thông qua các hoạt động của Sàn, còn kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia các hội nghị giao thương, các phiên tư vấn về xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường mà Việt Nam ký kết các FTA, tham gia các hội chợ thương mại trực tuyến. Sàn cũng giúp việc mua sắm của người tiêu dùng thuận lợi, vì hàng hóa đa dạng; thụ hưởng được nhiều chiến dịch khuyến mại từ các nhà bán lẻ; bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi số cả về ba góc độ gồm chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Với chính quyền số, sẽ góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; kinh tế số sẽ là chìa khóa của tăng trưởng; và xã hội số sẽ giúp người dân có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Hiệu quả từ đẩy mạnh chuyển đổi số

Đến đầu tháng 5/2022, Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Trị (quangtritrade.vn) đã có 43 gian hàng đăng ký tham gia với hơn 140 sản phẩm được trưng bày. Qua đó, giúp người tiêu dùng, nhất là khách du lịch dễ dàng tiếp cận được các sản phẩm.  

Hay như sàn thương mại điện tử PostMart.vn (với trên 260 sản phẩm) và sàn thương mại điện tử VoSo.vn (có 320 sản phẩm) của Quảng Trị đã giúp kết nối giữa cơ sở sản xuất, đơn vị phân phối sản phẩm và người tiêu dùng nhanh chóng và chính xác.

leftcenterrightdel
Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Trị (quangtritrade.vn) đã có 43 gian hàng đăng ký tham gia với hơn 140 sản phẩm được trưng bày. 

Đối với chính quyền số, 100% đơn vị trong tỉnh đã có các trang thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; hệ thống văn phòng điện tử được triển khai đồng bộ 100%; gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Quảng Trị đi vào hoạt động từ năm 2021 đã tích hợp các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu như: Phản ánh hiện trường; thông tin báo chí, giáo dục, y tế; camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông. Qua đó, giúp lãnh đạo tỉnh có thông tin kịp thời để chỉ đạo và ra quyết định chính xác, hiệu quả. Trong phát triển xã hội số, tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh đạt 80%, người sử dụng internet đạt 89%. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu vào hệ thống của Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Quảng Trị.

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, Quảng Trị đã đẩy mạnh truyền thông về xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số; hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu người dùng chung giữa các ngành, lĩnh vực; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Quảng Trị nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành; nâng cấp các trang thông tin điện tử của tỉnh và ban, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành tại cơ quan, đơn vị và trong gửi nhận văn bản điện tử.

Phục vụ người dân ngày càng tốt hơn

Thời gian qua, Thanh Hóa đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn như trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính ngân hàng, thuế, hải quan…

Theo đó, toàn tỉnh Thanh Hoá đã đưa 406 sản phẩm của các huyện lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa; đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử “voso.vn”; 38 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử “postmart.vn"; cung cấp trên 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện.

Đáng lưu ý là người dân đã dần thay đổi thói quen từ mua bán hàng trực tiếp sang mua bán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn; đồng thời, mang lại sự công bằng, bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ công nghệ số của các vùng, miền. Nhờ đó, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng được hưởng dịch vụ như ở các đô thị lớn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liên cho biết, chuyển đổi số tại địa phương bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả. Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao…

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chuyển đổi số; hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4; có 90% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất…/.

Lam Anh (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực