Đến 2030, khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực tăng trưởng

Thứ sáu, 13/05/2022 14:57
(ĐCSVN) – Đây là một trong những mục tiêu được xác định tại Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành ngày 11/5/2022.
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành ngày 11/5/2022. Ảnh: Lê Tiên 

Mục tiêu Chiến lược xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hai lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp. Mục tiêu khoa học công nghệ đóng góp vào tăng tưởng kinh tế thông qua chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là trên 50%.

Về công bố quốc tế, Chiến lược đặt mục tiêu tăng trung bình 10%, đơn đăng ký sáng chế tăng trung bình 16-18%, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng 12-14% mỗi năm. Tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ ở nước ngoài tăng 10-12% mỗi năm, 8-10% sáng chế được thương mại hóa sau khi cấp bằng....

Chiến lược cũng xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI)...

Theo Chiến lược thì doanh nghiệp được xác định là trung tâm, viện trường là chủ thể nghiên cứu mạnh; Nhà nước thực hiện vai trò điều phối, kiến tạo môi trường thể chế.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược là phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao. Theo đó nhân lực toàn thời gian cho khoa học công nghệ đạt 10 người trên một vạn dân năm 2025 và 12 người trên một vạn dân 5 năm tiếp theo, chú trọng phát triển nhân lực trong doanh nghiệp.

Cùng với đó xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Cụ thể, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới. Phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; trong đó, các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo.

Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu; triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước…;, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại địa phương….

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực