"Đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam"

Thứ sáu, 24/12/2021 15:05
(ĐCSVN) - Diễn đàn “Đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam” là một hoạt động trong chuỗi sự kiện khoa học được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thường niên nhằm đánh giá, thảo luận các tác động đa chiều của đại dịch COVID-19 đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Sáng ngày 24/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học “Đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam”. Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 400 đại biểu tham dự.

 PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: VA)

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước; nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu kép “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19” và “phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới”, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số.

PGS.TS Bùi Nhật Quang chia sẻ: Trong bối cảnh toàn xã hội bị cách ly, giãn cách trong một thời gian dài, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, các trường học không thể cho học sinh đến trường, giao thông vận tải và các dịch vụ logistics bị gián đoạn liên tục, giao thương trong nước và quốc tế đình trệ, người bệnh không thể tiếp cận hiệu quả các dịch vụ y tế v.v.. thì chuyển đổi số trở thành cứu cánh cho Chính phủ, doanh nghiệp, các ngành, địa phương và toàn thể người dân trong cả nước để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và dân sinh.

Theo PGS.TS Bùi Nhật Quang, đã tròn 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học, đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chững lại trong năm 2022 với các diễn biến và hệ luỵ khó lường. Xét về khía cạnh tiêu cực, đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng và toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Năm 2021, nền kinh tế toàn cầu phục hồi ở mức 4,7% nhưng cũng không thể bù đắp được những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch COVID-19 cũng đẩy thêm 131 triệu người sống dưới mức nghèo khổ và khiến thế giới đối diện với cuộc khủng hoảng sức khoẻ tinh thần tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.

Mặc dù vậy, theo PGS.TS Bùi Nhật Quang, COVID-19 đã mang lại động lực và xung lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khắc phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa con người kết nối gần nhau hơn và làm xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, việc làm, an sinh mới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức cho mọi quốc gia trên thế giới trong vấn đề huy động và sử dụng các nguồn lực, đào tạo kỹ năng, chuẩn bị hạ tầng công nghệ số để bắt kịp những thay đổi lớn lao do đại dịch COVID-19.

 Quang cảnh Diễn đàn khoa học. (Ảnh: VA)

Tại Diễn đàn có 2 phiên chính. Phiên 1 - Đại dịch COVID-19: Cơ hội và thách thức chuyển đổi số của các nước trên thế giới và Việt Nam; Phiên 2 - Đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số trong một số ngành, doanh nghiệp chủ chốt ở Việt Nam dưới tác động của dịch COVID-19.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số đối với hoạt động của Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số mạnh mẽ nền hành chính công và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phần mềm quốc tế để thúc đẩy quá trình số hóa hoạt động kinh doanh, xây dựng các thành phố thông minh, nâng cao hiệu quả các cơ chế chính sách và đối thoại giữa nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số nền kinh tế và các hoạt động chính trị - xã hội và an ninh.

Đại tá Lê Thế Mẫu chia sẻ thêm, trong hệ sinh thái số ở Việt Nam, có ba thị trường nổi bật là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử; trong đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, đạt mức 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền; những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa gặp khó khăn trong tiếp cận kinh tế số; những vấn đề về mặt pháp lý, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng; nhận thức, thói quen và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số thành công, theo Đại tá Lê Thế Mẫu cần thực hiện một số biện pháp, đó là: Nâng cao nhận thức để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu; sớm ban hành Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu. (Ảnh: VA)

Đánh giá về phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số ở Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, khủng hoảng kinh tế từ COVID-19 mang lại nhiều tác hại và sự tàn phá to lớn, tuy nhiên nó cũng tạo ra những cơ hội mới. Đó là tái cơ cấu và xây dựng nền kinh tế theo hướng xanh và phát triển bền vững. Cuộc khủng hoảng COVID-19 là cơ hội để chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế xanh mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định.

Chính phủ mới đây đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050", trong Quyết định 1658 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021 xác định tăng trưởng xanh thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng trưởng xanh dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững. Chiến lược tăng trưởng xanh cũng xác định 4 nội dung quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Cũng tại Diễn đàn khoa học, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Đại dịch COVID-19: cơ hội và thách thức chuyển đổi số của các nước trên thế giới và Việt Nam; Chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế  - xã hội ở Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hoá, an sinh, an ninh mạng; Chuyển đổi số trong một số ngành, doanh nghiệp chủ chốt ở Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19; Kinh nghiệm chuyển đổi số của một số địa phương như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai trong thời kỳ đại dịch COVID-19... Từ đó, đề xuất ý kiến để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thành công trong bối cảnh hiện nay./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực