Đăng ký sáng chế của các trường, viện nghiên cứu có xu hướng tăng

Thứ sáu, 03/12/2021 23:15
(ĐCSVN) – Số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số đơn đăng ký sáng chế nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Đó là chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, khai thác các tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, khai thác các tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu hiện nay?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Một điều rõ ràng là ở bất kỳ quốc gia nào thì trường đại học, viện nghiên cứu luôn là nơi đầu nguồn sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới. Thực tế chứng minh nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn thu từ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí. Ảnh: BL 

Theo thống kê hằng năm của Cục Sở hữu trí tuệ, mặc dù tỉ lệ đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Việt Nam nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, phần nào thể hiện sự cải thiện về giá trị của các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu, qua đó căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, để các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa một cách hiệu quả, từ đó tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng còn tồn tại những bất cập trong một số quy định hiện hành, trong đó có quy định về sở hữu trí tuệ là rào cản cho việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu. Vì vậy, trong khuôn khổ hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” trong chuỗi sự kiện Techfest Việt Nam 2021 góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu.

PV: Hiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã có những đề xuất điều chỉnh quy định nhằm khuyến khích việc khai thác tài sản trí tuệ do Nhà nước đầu tư. Xin ông chia sẻ về đề xuất này?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Qua thực tiễn hơn 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.

Tuy nhiên, với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua việc gia nhập các điều ước quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam phải thực hiện cam kết khi gia nhập, trong đó có những nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Luật Sở hữu trí tuệ cần phải sửa đổi phù hợp là điều tất yếu.

Trong số 7 nhóm chính sách sửa đổi này, có một chính sách liên quan trực tiếp tới các trường đại học, viện nghiên cứu, cụ thể là chính sách “Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước”. Ngoài ra, nghiên cứu sửa đề xuất liên quan đến vấn đề kiểm soát việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng được giao quyền theo hướng đơn giản hóa yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thúc đẩy thương mại hóa của trường đại học, viện nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định của các luật liên quan văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

PV: Theo ông, nếu được thông qua theo phương án đã đề xuất thì Dự thảo Luật sẽ mang lại kỳ vọng gì cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ của Việt Nam nói chung và hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra trong trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Xu hướng trao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện bằng ngân sách nhà nước đã được nhiều quốc gia áp dụng và đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là tạo thuận lợi và nhanh chóng cho việc thương mại hóa các quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, năng lực quản trị và thương mại hóa tài sản trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Mỗi chủ thể với vai trò khác nhau trong từng nhiệm vụ khác nhau sẽ có những chiến lược riêng, mà không có một công thức chung.

Nếu như phương án mà cơ quan soạn thảo đề xuất được Quốc hội thông qua thì có thể thấy chính sách này sẽ giúp cho các trường đại học, viện nghiên cứu chủ động trong thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình chủ trì thực hiện. Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa chính sách này, trước tiên các trường đại học, viện nghiên cứu cần thiết lập một cơ chế đảm bảo quản lý hiệu quả các tài sản trí tuệ của mình, cần có các chuyên gia am hiểu cả về thị trường và pháp lý để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ về mặt pháp lý và giá trị thương mại.

Đồng thời, kết hợp sự năng động và thậm chí là mạo hiểm của các doanh nghiệp khi quyết định đương đầu với những thử thách, rủi ro trong đầu tư khai thác những tài sản trí tuệ mới không phải do doanh nghiệp mình tự tạo ra.

PV: Những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là gì, thưa ông?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Một trong những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là kết nối, khai thác các tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Trường đại học, viện nghiên cứu chính là cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới.

Trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đề cập đến việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.

Theo đó, các nhiệm vụ đặt ra là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Việc hợp tác, khai thác tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu một mặt sẽ rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đầu tư nghiên cứu để tập trung phát triển sản phẩm, thị trường. Mặt khác, việc hợp tác này tạo cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa, lan tỏa kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống kinh tế-xã hội, qua đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở này.

Với số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, chắc chắn rằng sự kết hợp giữa trường, viện và doanh nghiệp hoặc hình thành mới các doanh nghiệp từ tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu sẽ đem lại những kết quả tích cực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực