Đổi mới sáng tạo phải góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng

Thứ ba, 14/12/2021 23:07
(ĐCSVN) – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu của đổi mới sáng tạo phải góp phần thực hiện đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra và các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ, ngành, địa phương các cấp; góp phần làm cho người dân càng ngày càng ấm no, hạnh phúc; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, quốc tế.
 
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại TECHFEST và WHISE 2021.
(Ảnh: TTXVN).

Chiều 14/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự chương trình Dấu ấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (TECHFEST và WHISE 2021) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Techfest 2021 kỳ vọng sẽ thắt chặt sợi dây liên kết không biên giới giữa con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và khát vọng Việt Nam. Đây là nỗ lực hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao trong công tác thu hút nguồn lực doanh nhân trí thức kiều bào đóng góp phát triển quê hương đất nước theo tinh thần Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết: Trong bối cảnh bình thường mới này, các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo (KNST) càng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề của KT-XH trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của dân tộc Việt Nam, mà đại diện là thế hệ trẻ.

Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho KNST tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ đô-la Mỹ đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp (DN) KNST Việt Nam. Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường ĐH/CĐ tổ chức hoạt động KNST. Các DN, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho DN khởi nghiệp, giúp DN khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành, như: Vingroup, Nexttech, FPT, CMC, …

Đổi mới sáng tạo để khẳng định trí tuệ Việt Nam (Nguồn: vtvgo.vn) 

Bộ trưởng cũng cho rằng, nhiều thành tựu đã đạt được, nhiều khó khăn đã vượt qua, Hệ sinh thái KNST đã đi được chặng đường 5 năm từ khi Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái KN ĐMST quốc gia được ban hành. Đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về ĐMST.

Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ “đóng” sang “mở”; tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Cùng với đó, các DN, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm ĐMST.

“Chúng ta hãy cùng chung tay phát triển nền tảng ĐMST mở quốc gia; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái theo mô hình mở; kết nối các dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, chia sẻ thông tin, dữ liệu để phát triển Hệ sinh thái KNST quốc gia”, Bộ trưởng khẳng định.

Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng thảo luận gợi mở tư duy, gợi mở những sáng kiến mới, hợp tác, liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hình thành các startup với hàm lượng công nghệ cao từ khối viện, trường hướng tới giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp lớn, vấn đề mang tính toàn cầu.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao kết quả mà các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã đạt được trong thúc đẩy, phát triển đổi mới sáng tạo trong năm 2021; góp phần đưa Việt Nam lên thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức Dấu ấn TECHFEST-WHISE 2021". (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Bất kỳ quốc gia nào, thời kỳ nào, bất cứ lĩnh vực nào, con người nào cũng cần đổi mới sáng tạo; vì có đổi mới sáng tạo mới có phát triển. Đổi mới sáng tạo vừa là trung tâm, động lực của sự phát triển; là sự nghiệp của toàn dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân.

Đổi mới sáng tạo phải được triển khai tổng thể toàn diện, đồng bộ, liên thông, bao trùm ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, phải được kết nối với toàn cầu, vì lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích chung của nhân loại.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, mục tiêu của đổi mới sáng tạo, phải góp phần thực hiện đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra và các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ, ngành, địa phương các cấp; góp phần làm cho người dân càng ngày càng ấm no, hạnh phúc; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, quốc tế...

“Trước mắt, đổi mới sáng tạo phải tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cũng như giải quyết các vấn đề đang nổi lên như: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạn kiệt tài nguyên; giá hóa dân số; các vấn đề an ninh phi truyền thống; phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số; các vấn đề đang đặt ra trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo...”, Thủ tướng nêu rõ.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành tổng kết lại quá trình đổi mới sáng tạo, kể cả trong lịch sử của ông cha ta để có cơ sở dữ liệu, bài học kinh nghiệm cho đổi mới sáng tạo hiện nay và thời gian tới; tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Các cấp ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo không chỉ từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp mà còn từ các tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, cá nhân và cộng đồng. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, mở rộng liên kết, kết nối trong nước, kết nối quốc tế, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành thị trường đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đặt hàng, sử dụng các sản phẩm đổi mới, sáng tạo…

Tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm đổi mới sáng tạo; chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn; thực hiện nghi thức Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực