Mục tiêu phát thải ròng bằng 0: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp

Thứ sáu, 23/12/2022 16:38
(ĐCSVN) - TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu không thể trì hoãn. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.

“Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0” là Diễn đàn được Trung tâm Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu thuộc Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Nagase và Unilever Việt Nam tổ chức, sáng 23/12.

Đây là chương trình Diễn đàn thứ 2 trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”.

Phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu không thể trì hoãn

 TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức của toàn cầu, tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Có thể nhận thấy những tác động mà biến đổi khí hậu đem lại đang khá tiêu cực, ảnh hưởng đến thiên nhiên, thời thiết, đời sống kinh tế và xã hội. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại trong thế kỉ 21. Phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu không thể trì hoãn. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.

Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra những chiến lược, mục tiêu trong tương lai, cụ thể như: Ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; Quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 896 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ những nội dung chuyên sâu hơn về phương pháp và cách thức thực hiện kiểm kê khí nhà kính; phân tích những hiệu quả ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại cơ sở nhằm giảm nhẹ phát thải…

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm 

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Việt Nam luôn coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và từng người dân trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo TS Nguyễn Đình Thi, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai những quan điểm, chủ trương, định hướng và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của chính bản thân doanh nghiệp và sự phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, trong số các giải pháp để thực hiện mục tiêu trọng tâm là Netzero thì theo nhiều chuyên gia, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần thực hiện tốt cam kết này và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Kiểm kê khí nhà kính - Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp

TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT chia sẻ tham luận tại Diễn đàn 

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT cho biết: Kiểm kê khí nhà kính - Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Thực hiện hóa các cam kết tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.

Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở phát thải tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 07/01/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn. Các đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK được quy định trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ban hành 18/01/2022. Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải. Các cơ sở phải kiểm kê KNK có mức phát thải hàng năm ≥ 3.000 tấn CO2 tương đương; Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng tiêu thụ năng lượng ≥ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE); Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm ≥ 1,000 TOE; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm ≥ 1.000 TOE; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm ≥ 65.000 tấn.

Nói về quyền lợi và trách nhiệm, khi doanh nghiệp, cơ sở phát thải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, TS.Hà Quang Anh cho rằng, chung tay cùng Chính phủ thực hiện cam kết có trách nhiệm cao của Việt Nam với quốc tế; Là cơ sở để tham gia thị trường các-bon; Là cơ sở để đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp/cơ sở phát thải trong việc giảm phát thải khí nhà kính; Là cơ sở để tiến tới đánh thuế/xác định ưu đãi/dán nhãn sinh thái đối với các doanh nghiệp/cơ sở phát thải; Tuân thủ quy định của Pháp luật; Xây dựng được một CSDL phát thải khí nhà kính đầy đủ, liên tục, minh bạch, chính xác giúp doanh nghiệp quản lý, sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả.

Tại Diễn đàn, TS. Hà Quang Anh cũng đưa ra hướng dẫn để các doanh nghiệp, cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo đúng quy định./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực