Thiết lập trạm quan trắc phòng tránh rủi ro động đất tại Kon Tum

Thứ sáu, 22/04/2022 15:47
(ĐCSVN) – Theo ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cần phải thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất tại khu vực lân cận của tỉnh Kon Tum để phục vụ thông tin, số liệu cũng như có nghiên cứu chuyên sâu phòng tránh rủi ro động đất cho người dân.
 
leftcenterrightdel
 Vị trí xảy ra trận động đất ngày 21/4. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Theo quan trắc của Viện Vật lý địa cầu trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter. Trong đó, trận lớn nhất được ghi nhận tại đây vào năm 1937 là 3.9 độ Richter.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 đến nay, khu vực này đã ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên. Trận lớn nhất gần đây độ lớn 4.5 độ.

Như vậy, các trận động đất gần đây lớn hơn so với lịch sử. Số trận động đất trong 1 năm qua nhiều gấp 5 lần so với hơn 100 năm cộng lại. Có thể thấy đây là một sự bất thường và theo khảo sát có những hồ thủy điện hoạt động trong khu vực này.

Kon Tum liên tục xảy ra những trận động đất gần đây, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cho biết, chỉ tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận khoảng 180 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số động đất xảy ra trong suốt thời gian từ năm 1903 đến 2020.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết cần phải thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận của tỉnh Kon Tum để phục vụ thông tin, số liệu cũng như có nghiên cứu chuyên sâu và đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất cho người dân.

Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất đối với khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đồng thời cũng cần rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, việc nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận, tiến hành đánh giá mức độ rủi ro cũng như xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiện tượng động đất và ứng phó động đất cho người dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của động đất.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, không chỉ ở Kom Tum, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về động đất cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa ở các địa phương, bởi trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác nhưng 2 năm gần đây, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn trên 2.5 và rất nhiều động đất nhỏ khác xảy ra trên lãnh thổ nước ta.

Tuy nhiên kiến thức về động đất, sóng thần, giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro của cộng đồng dân cư và các cấp quản lý đang còn hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho cộng đồng sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao kỹ năng ứng phó.

Về công tác dự báo động đất, theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đến nay, rất khó để dự báo được chính xác thời điểm xảy ra động đất. Các nhà khoa học chỉ có thể dự báo được độ lớn của động đất. Ngay cả Nhật Bản là một nước thường xuyên xảy ra động đất, các nhà khoa học cũng không dự báo được  thời điểm xảy ra động đất. Hiện Ấn Độ mới dự báo được một số vụ động đất kích thích không phải tự nhiên.

Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới thường nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá được mức độ lớn của động đất, đồng thời tập trung tìm các biện pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, ưu tiên nghiên cứu xây dựng những công trình có khả năng chịu động đất cao, cũng như huấn luyện cho người dân những kỹ năng tồn tại và sống sót sau thảm họa

Trước việc liên tiếp xảy ra các trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ngày 20/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục thực hiện quan trắc, giám sát động đất tại khu vực nêu trên, báo tin kịp thời cho các cơ quan và nhân dân biết để chủ động ứng phó phù hợp./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực