Việt Nam cần chuyển đổi số để cạnh tranh toàn cầu

Thứ năm, 12/05/2022 16:00
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, công nghệ số đã rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong việc tiếp cận cơ hội, việc làm ngành công nghệ thông tin (CNTT).

Do ảnh hưởng dịch bệnh, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp đã khiến các nhu cầu gián tiếp lên ngôi. Do đó, nhu cầu ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp là vô cùng lớn. Hầu như doanh nghiệp nào cũng cần triển khai số hóa, cũng cần sử dụng các hệ thống và tuyển dụng nhân lực CNTT. Và khoảng cách giữa cung – cầu nhân lực đang ở khá xa nhau. Trong khi đó, làm việc online ngày càng phổ biến.

Hiện nay, trên thế giới, có rất nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài tìm kiếm nhân lực Việt Nam, có nhiều vị trí tuyển dụng CNTT tại Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới nhưng đăng tuyển và tìm kiếm ở nước ta. Do đó, cơ hội cho những người học và làm trong ngành CNTT là rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các kỹ sư CNTT có thể làm việc ở bất kỳ đâu, cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ ai trên thế giới.

leftcenterrightdel
 Chuyển đổi số là tất yếu (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: PV)

Chuyển đối số là cơ hội cho Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới

Anh Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT Seedcom chuyển tới thông điệp “dùng chuyển đổi số để cạnh tranh toàn cầu” cho Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0. Theo đó, người đứng đầu Seedcom cho rằng, chuyển đổi số không phải để giải quyết những khó khăn, mà chính là cơ hội để Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới. Với Seedcom – nơi được xây dựng để hỗ trợ các công ty với tham vọng mang sản phẩm Việt ra thế giới, ứng dụng CNTT đã giúp doanh nghiệp đa lĩnh vực và quy mô lớn vận hành một cách trơn tru, bước ra thế giới như thế nào, nhất là trong cách mạng 4.0.

Đồng quan điểm trên, CTO KardiaChain, ông Huy Nguyễn khẳng định: Việt Nam có cơ hội để bắt kịp chuyến tàu công nghệ Blockchain. Thực tế, Việt Nam đang có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để không bỏ lỡ chuyến tàu công nghệ Blockchain.  Tiếp cận công nghệ Blockchain từ năm 2016 khi đang làm việc tại Google, ngay tại thời điểm đó, anh Huy Nguyễn đã cảm nhận được tiềm năng to lớn của Blockchain và tin tưởng rằng nếu được khai thác, sử dụng hợp lý, đây sẽ trở thành một công nghệ chủ đạo trong nhiều lĩnh vực trong thập kỷ tới. Chính niềm tin này đã khiến anh từ bỏ công việc tại Google để lựa chọn về nước và sáng lập ra Kardiachain, nền tảng blockchain hàng đầu tại Việt Nam.

“Chỉ riêng trong lĩnh vực tài chính, giá trị tiền mã hóa đã lên đến $2.000 tỷ, gấp 10 lần toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn ra đời trước Bitcoin đến 5 năm. Lượng giao dịch hàng ngày đạt mức vài trăm tỷ USD, ngang với thị trường chứng khoán Mỹ. Hiện trên toàn thế giới ước tính có 300-400 triệu người đang sở hữu tiền điện tử. “ – anh Huy Nguyễn chia sẻ.

Không chỉ trong tài chính, Blockchain còn tạo tiếng vang trong rất nhiều lĩnh vực khác: Game Blockchain Axie Infinity có số lượng thú cưng ảo bán ra trị giá 1 tỉ đô, các CLB bóng đá nổi tiếng như Barcelona, Bayern Munich đều sử dụng Blockchain để tạo ra token riêng để trả lương cho cầu thủ… Tại Việt Nam, hồ sơ vaccine cũng áp dụng công nghệ Blockchain của Viettel. Ngoài ra còn có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, giáo dục, thương mại điện tử…

Tuy nhiên, CTO Kardiachain cũng thừa nhận Blockchain không phải là một bức tranh toàn màu hồng. Hiện, trên thị trường có rất nhiều mảng tối: giá trị giao dịch khổng lồ làm gia tăng đột biến lượng hacker nhằm trục lợi trên các sản phẩm do được xây dựng trên công nghệ mới nên còn nhiều lỗ hồng, tính ẩn danh của Blockchain và sự thiếu hiểu của nhà đầu tư cũng dẫn đến nhiều dự án lừa đảo, tạo tiếng xấu chung cho công nghệ này.

Về “thiên thời”, CTO KardiaChain cho rằng, ở Việt Nam, chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu, áp dụng công nghệ mới dễ dàng và mang lại những giá trị to lớn. Về “địa lợi”, cả  chính phủ, doanh nghiệp, truyền thông đều có những động thái tích cực để ủng hộ công nghệ này. Về “nhân hòa”, Việt Nam có số người trẻ đam mê công nghệ, sử dụng smartphone cao là một nguồn khách hàng ngay tại chỗ.

Thời cơ này thể hiện ở những con số ấn tượng: có hơn 10 startup Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain có vốn hóa trên $100 triệu, trong top 200 công ty Blockchain trên thế giới có 5-7 công ty của Việt Nam. “Trước đây, điều này là chuyện không tưởng. Người Việt Nam đang đứng ngang hàng, và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia phát triển khác.” – CTO Huy Nguyễn nhận định.

Tuy nhiên, CTO KardiaChain cũng nhấn mạnh cần nhiều yếu tố để duy trì đà tiến này: chính sách đào tạo nghiêm túc, bài bản để đảm bảo nguồn nhân lực; sự linh động và ủng hộ của chính phủ về hành lang pháp lý – điều này đặc biệt quan trọng trong một lĩnh vực vẫn còn nhiều nhận thức chưa đúng đắn của cộng đồng.

“30 năm qua Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều chuyến tàu công nghệ. Hy vọng lần này, với các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và cơ hội rộng mở, đất nước chúng ta sẽ có sự chuẩn bị sẵn sàng để mã đáo thành công” – CTO KardiaChain nói.

Thị trường game – mỏ vàng của Việt Nam

Trong khi đó, theo Giám đốc Game Studio Onesoft, ông Phạm Quân, thị trường game là một “mỏ vàng” với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ở quy mô toàn cầu. Hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý, vận hành và phát triển game và ứng dụng.

Tuy thị trường game như một “mỏ vàng”, có rất nhiều tiềm năng có thể khai thác ở quy mô toàn cầu nhưng cũng cần có sự quan tâm của xã hội, đào tạo bài bản chính quy từ các trường đại học, đơn vị đào tạo để có đủ nguồn lực nắm bắt cơ hội này. Vị Giám đốc Onesoft đã phác họa bức tranh toàn cảnh về thị trường ngành game với những con số rất ấn tượng: từ 2012 ngành game có tốc độ tăng trưởng gần 11% mỗi năm, riêng game mobile là 27%; tính đến 2021, game mobile chiếm đến 60% toàn ngành với doanh thu trên $100 tỷ. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã tạo được dấu ấn không nhỏ: 5/10 game studio hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương là của Việt Nam; có studio lọt tốp 15 lượt tải toàn cầu, tương đương với sản phẩm của các Đại gia như Microsoft, Facebook.

Tại Việt Nam, lịch sử ngành game có thể chia thành 4 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 trước năm 2014 chỉ mới manh nha một vài game studio có sản phẩm phục vụ thị trường quốc tế, trong khi store của Google Play và Apple đều chưa hoàn thiện. Giai đoạn 2 từ 2014-2018 chứng kiến sự bùng nổ về số lượng game sau hiện tượng Flappy Bird nhưng vấn đề chất lượng vẫn còn bỏ ngỏ. Từ 2018 đến nay là giai đoạn thứ 3 với sự cạnh tranh khốc liệt và việc thắt chặt về mặt chất lượng của các chợ ứng dụng, các game studio quy mô lớn tại Việt Nam được hình thành và bắt đầu đánh chiếm những bảng xếp hạng toàn cầu. Giai đoạn 4 – cũng là tương lai của ngành game, có thể được chiếm lĩnh bởi những dòng game mới như game Blockchain.

Mặc dù có sự phát triển bùng nổ như vậy nhưng Giám đốc Onesoft cũng thừa nhận tại Việt Nam, ngành game vẫn chưa được xã hội khuyến khích, còn tồn tại nhiều quan niệm tiêu cực. Cũng chính bởi vậy mà các trường đại học không có đào tạo bài bản cho chuyên ngành này, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về kinh nghiệm và kỹ năng của đội ngũ nhân lực. Một số nguồn thống kê nhận định ngành game tại Việt Nam đang thiếu 20.000 – 30.000 nhân sự trong khi nguồn cung hầu như không đáng kế. Thời gian gần đây, sự hiện diện của những công ty quốc tế như Gameloft càng làm tăng sự khốc liệt trong cuộc cạnh tranh nhân sự giữa các game studio.

Giám đốc Onesoft cũng cho biết thu nhập cho nhân sự ngành game, đặc biệt là ở các công ty phục vụ thị trường quốc tế, đang ở mặt bằng toàn cầu, cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác trong CNTT.  Vị trí tuyển dụng cũng rất đa dạng, không chỉ có công việc lập trình, mà còn có xây dựng kịch bản, hiệu ứng chuyển động, đồ họa, biên tập video… mang lại nhiều lựa chọn cho các bạn trẻ đam mê và yêu thích lĩnh vực này.

Ông Phạm Quân nhấn mạnh Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc phát triển game nếu có sự sự quan tâm thích đáng từ xã hội, sự đào tạo bài bản chính quy từ các trường đại học, đơn vị giáo dục. Đồng thời, anh cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ có đam mê với ngành game: “Hãy mạnh dạn lựa chọn ngành game, tham gia vào các công ty game tại Việt Nam để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Có rất nhiều điều thú vị, nhiều cơ hội về mặt tài chính, phát triển sự nghiệp đang chờ đợi các bạn.”

Hiện tại là thời đại của đào tạo phi truyền thống

Công nghệ số là cơ hội lớn để xóa đi khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới; là cơ hội để chúng ta tham gia cuộc chơi toàn cầu – với những công nghệ mới nổi như Blockchain; hay là thời điểm để cạnh tranh với những đối thủ nặng ký, thậm chí có thể biến Việt Nam thành một trung tâm công nghệ trong một số lĩnh vực đặc biệt của thế giới… Nhưng để làm được, thì cần sự chung tay để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực.

Bên cạnh bài toán đào tạo, thì cần làm nhiều hơn nữa để mọi người có thể hiểu được, ai cũng có thể học được, ai cũng có thể làm được, từ đó huy động được một lực lượng lớn nhân sự cho ngành IT.

Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam khẳng định: Hiện tại là thời đại của đào tạo phi truyền thống. Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực CNTT, cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Vietnamwork, trong 3 năm gần đây, số việc làm CNTT tăng 47% nhưng nguồn cung nhân lực truyền thống chỉ tăng 8% mỗi năm. Anh nhận định các trường đại học cao đẳng có giấy phép đào tạo chính thống về CNTT chỉ cung cấp được 40% nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ.

“Trong khi ngành giáo dục chính thống không đáp ứng được, nhiều tổ chức, cá nhân tự xoay sở với những giải pháp như tự học trên mạng, người đi trước dạy người đi sau… Xu hướng này không xuất phát từ trường lớp mà phát sinh từ nhu cầu thực tế, những con người thực tế – có thể học không giỏi nhưng có đam mê, sẵn sàng cam kết, đầu tư thời gian học tập. Đây chính là thời đại của các bạn, của đào tạo phi truyền thống.” – anh Thành Nam khẳng định. 

Tin tưởng sâu sắc rằng, đối mặt trước thách thức, nhân dân Việt Nam sẽ tìm ra phương án giải quyết. Cũng như đứng trước bài toán thiếu hụt nhân sự CNTT, hàng ngàn doanh nghiệp trên mặt trận thương nghiệp ngoài kia, sẽ tìm ra lời giải, biến CNTT thành động lực để phát triển và đóng góp cho kinh tế đất nước./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực