Khuyến khích hợp tác công - tư trong khoa học, đổi mới sáng tạo

Thứ năm, 02/03/2023 11:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Bộ KH&CN sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; khuyến khích doanh nghiệp thành lập, tăng quy mô các Quỹ phát triển KH&CN; thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu với trường đại học thông qua đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung; khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực KHCN&ĐMST.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: TL 

Đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp để từng bước đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, để đạt mục tiêu đó, từ nay đến năm 2025 Bộ KH&CN tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ về tổ chức, cơ chế tài chính, quản lý, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST với định hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm nguyên tắc công khai minh bạch và công bằng, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên ngành.

Đặc biệt, tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, thúc đẩy các giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Bộ KH&CN nghiên cứu, rà soát sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST; sửa đổi đồng bộ các quy định về quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với tiêu chí kết quả đầu ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành trong nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đóng góp kinh phí cùng với ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN…

Đồng thời, Bộ hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST cả trong nước và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp thành lập, tăng quy mô các Quỹ phát triển KH&CN, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, phát triển công nghệ; thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu với trường đại học thông qua đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung; khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực KHCN&ĐMST.

Về việc phối hợp, liên kết với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp về hoạt động KHCN&ĐMST để mang lại hiệu quả trong giai đoạn tới, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN triển khai thực hiện quản lý thống nhất, tăng cường gắn kết giữa KHCN&ĐMST với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phân bổ nguồn lực phù hợp để giải quyết những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, bảo đảm cho việc phát triển tiềm lực KHCN&ĐMST có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Bộ KH&CN cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp trong điều phối, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KHCN&ĐMST của các tổ chức KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ…

Đồng thời, Bộ tổ chức triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN quốc gia theo các định hướng phát triển nghiên cứu khoa học ưu tiên; định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ; định hướng hoạt động hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh.

Cùng với đó thì doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN&ĐMST tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Các tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học cần nghiên cứu xây dựng chính sách, giải pháp để các tổ chức KH&CN trở thành hạt nhân nghiên cứu KHCN&ĐMST.

Theo Bộ trưởng, việc tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất, chất lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ lõi, tăng cường phát huy vai trò dự báo chiến lược về xu thế phát triển KHCN&ĐMST; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ cũng định hướng việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng một số nhóm công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên thực tiễn của Việt Nam; xây dựng, tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án KH&CN quan trọng với sự tham gia của cả khu vực công và tư, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, doanh nghiệp về KHCN&ĐMST cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Bộ đẩy mạnh số hóa hoạt động quản lý, điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học để nắm chắc các nguồn lực KH&CN trong phạm vi toàn quốc, sử dụng công nghệ số để kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trong toàn quốc.

 

 

Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được ban hành ngày 11/5/2022.

Theo đó, Quyết định quy định nhiệm vụ và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có trình độ, năng lực sáng tạo cao, phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, hướng tới một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. 

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực