Liên kết nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh theo chuỗi giá trị

Thứ tư, 24/02/2016 16:11
(ĐCSVN) – Vài năm trở lại đây, sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh đã và đang phát triển và trở thành một ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Nhất là khi sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh được triển khai đồng bộ, bao gồm các khâu từ sản xuất, dịch vụ, kinh doanh trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Cây ăn quả trồng trong chậu, làm cảnh mới được phát triển trong vài năm gần đây
nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn (Ảnh: PV) 

Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển  hoa, cây cảnh, trong những năm trở lại đây, cùng với tốc độ phát triển chung về diện tích, sản lượng, cơ cấu trồng hoa, cây cảnh đã có những thay đổi lớn. Từ chỗ trước năm 2000, Việt Nam chủ yếu trồng các loại hoa truyền thống như: cúc, hồng, lay ơn, cẩm chướng, thược dược… đến nay, chúng ta đã trồng nhiều chủng loại hoa mới có hình dáng đẹp, độ bền cao hoặc mới lạ hấp dẫn. Nhiều loại hoa mới được phát triển thành hàng hóa lớn.

Không những thế, kỹ thuật canh tác trong sản xuất hoa ở Việt Nam cũng có sự thay đổi lớn. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất theo kinh nghiệm là chính thì đến nay đã có những vùng sản xuất hoa lớn, tập trung chuyên canh có tính hàng hóa cao, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ chỗ chỉ sản xuất được các loại hoa truyền thống dễ làm, thì đến nay chúng ta đã thuần hóa và sản xuất được nhiều loại hoa mới, quý hiếm có giá trị kinh tế cao được người tiêu dùng chấp nhận. Từ chỗ hàng năm phải nhập khẩu rất nhiều giống hoa của nước ngoài thì đến nay chúng ta không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu.

Để hiệu quả sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh bền vững

Phân tích của Viện Nghiên cứu Rau quả nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được của ngành sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh thì vẫn còn một số những hạn chế cần khắc phục bao gồm tất cả các khâu từ nghiên cứu đến trồng trọt, thu hái, xử lý và tiêu thụ…

Thứ nhất, tồn tại về công tác nghiên cứu. Hiện, chúng ta vẫn chưa tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng cao. Hầu hết các giống hoa hiện trồng đều phải đi nhập từ nước ngoài; Chưa nhân nhanh được các giống hoa quý từ nuôi cấy mô đáp ứng yêu cầu trong nước; Chưa nghiên cứu, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn tại miền Bắc Việt Nam để các địa phương đến tham quan học tập; Chưa nghiên cứu hoàn thiện được qui trình điều khiển nở hoa cho hoa nở đúng dịp như mong muố; Chưa nghiên cứu các qui trình thu hái, xử lý, đóng gói, vận chuyển hoa.  Hiện nay vấn đề này hiện người dân vẫn đang làm theo kinh nghiệm; Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng cho sản xuất và chưa là cầu nối giữa các nhà sản xuất với nhau và giữa các nhà sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, tồn tại trong sản xuất: sản xuất thiếu quy hoạch, thiếu định hướng chủ yếu đầu tư theo nhận định chủ quan; còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, ít có những vùng lớn, mang thương hiệu mạnh để nhiều nơi biết đến. Những vùng sản xuất lớn chưa có cơ sở nhân giống tại chỗ mà phải mua từ nơi khác dẫn đến sự bị động và có thể dẫn đến rủi ro do chưa qua thử nghiệm, do vận chuyển xa. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa còn nhiều hạn chế. Các kỹ thuật chọn nhà lưới, giá thể, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được ứng dụng nhiều do vậy chất lượng hoa chưa cao. Các công nghệ thu hái, xử lý, đóng gói hoa vẫn chưa được quan tâm do vậy tổn thất, hao hụt sau bảo quản khá lớn và chất lượng hoa sau thu hái, bảo quản giảm sút nhiều gây thiệt hại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất hoa còn khó khăn và thiếu thốn. Đất đai manh mún không tập trung. Hệ thống giao thông không đáp ứng vận chuyển hàng hóa, hệ thống cấp nước chưa được xử lý, không có sự đồng bộ để đảm bảo cho quá trình sản xuất đến tiêu thụ.

Thứ ba, tồn tại trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Chưa có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau, chưa có hiệp hội hay tổ chức nào để liên kết giữa các đơn vị sản xuất để chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm kỹ thuật dẫn đến tình trạng mạnh ai lấy làm. Thực tế, hiện nay, cả miền Bắc Việt Nam chưa có chợ đầu mối hoa theo đúng nghĩa, các chợ hoa như Quảng Bá, Mê Linh, Tây Tựu… đều là những chợ bán buôn hoa nhưng qui mô diện tích nhỏ, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiếu kho hàng, bến bãi để tập kết và vận chuyển hoa.

Trong các năm qua, các cơ quan khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại mới chỉ chú ý các khâu “đầu vào” đó là: Cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật mà chưa chú ý đến khâu then chốt là “đầu ra”. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào mắt xích “đầu ra” trong chuỗi giá trị sản phẩm còn quá ít về số lượng và rất yếu về năng lực, trình độ, thiếu chuyên nghiệp. Do vậy, dẫn đến tình trạng hoa sản xuất nhiều nhưng nhiều loại vẫn chưa đến tay người tiêu dùng.

Các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), chủ trang trại cũng không được cung cấp, trang bị kiến thức về maketing tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chủ nhiệm HTX, Chủ trang trại đi lên từ trồng lúa, trồng cây lương thực cho nên vẫn tiêu thụ theo cách làm nông nghiệp truyền thống, vì vậy hiệu quả sản xuất không cao, chưa tác động ngược lại sản xuất dẫn đến tốc độ phát triển chậm.

Mặc dù ở miền Bắc đã hình thành rất nhiều các cơ sở sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh nhưng chưa có một tổ chức nào đứng ra liên kết các đơn vị này với nhau để tạo thành một hệ thống liên kết không chỉ trong khâu sản xuất mà cả ở khâu tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là hệ thống liên kết giữa “quản lý - khoa học - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm” để vừa nâng cao giá trị sản xuất vừa phát triển ổn định bền vững.

Đánh giá về liên kết 4 nhà trong sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, ông Vương Xuân Nguyên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khẳng định: cần thiết phải nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ trong lĩnh vực hoa, cây cảnh. Để làm được, đòi hỏi các bên trước hết phải nhận thức đúng vị trí vai trò, năng lực và khả năng hợp tác liên kết của mình trước khi tham gia quá trình liên kết. Cần thiết phải hình thành văn hóa kinh doanh cũng như nhận thức mới về hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hoa cây cảnh. Đó là hợp tác liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” trên tinh thần các bên cùng có lợi để nâng cao tối đa chuỗi giá trị, vì sự phát triển bền vững của các bên tham gia liên kết.

Nâng cao chuỗi giá trịtrong phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh

Hoa trồng trong nhà kính, nhà lưới cho hiệu quả cao (Ảnh: HNV)

Thiết nghĩ, cần sự chung sức của cả hệ thống quản lý, các chuyên gia, nông dân và doanh nghiệp. Trong đó, với các nhà quản lý (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, chính quyền các cấp...), cần có sự nhìn nhận đánh giá đúng về vai trò vị trí của nghành sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh. Coi đây là một nghành có nhiều lợi thế và tiềm năng của Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà trong tương lai còn có thể tiến đến xuất khẩu lớn thu ngoại tệ về cho đất nước. Từ đó có những chính sách quan tâm hỗ trợ phù hợp.

Với cơ quan khoa học, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu để chọn tạo ra nhiều các chủng loại hoa mới, lạ có nhiều ưu điểm nổi trội so với các giống truyền thống, có khả năng cạnh tranh với các giống nhập nội, cung cấp cho sản xuất. Tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với các cơ sở sản xuất, kịp thời thông tin về tình hình và dự báo về thị trường hoa, cây cảnh trong tương lai gần và cả tương lai xa để người sản xuất nắm bắt cả kỹ thuật lẫn thị trường từ đó đề ra các bước đi phù hợp, tránh tổn thất.

Với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, phải tích cực tìm hiểu thông tin về dự báo nhu cầu về hoa, cây cảnh, thông tin về các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) về giống, công nghệ để đề ra định hướng đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với khả năng của mình và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh một mặt cần có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý và cơ quan khoa học để tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ tối đa của Nhà nước về cơ chế chính sách, sự giúp đỡ về khoa học kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu từ đó đảm bảo sự sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn và bền vững. Mặt khác cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm kỹ thuật và hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau khi hoạn nạn đồng thời có một tiếng nói chung để định hướng thị trường trong nước tiến đến xuất khẩu.

Phải thừa nhận rằng, sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh là một ngành có nhiều lợi thế và tiềm năng. Trong những năm qua ngành sản xuất kinh doanh này đã phát triển nhanh chóng và mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và xã hội. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, cần thiết phải đẩy mạnh chuỗi liên kết, nâng cao giá trị để hoa, cây cảnh không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn đủ sức xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới./.

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực