(ĐCSVN) - Quyết định số 3367/QĐ-BNN ngày 31/7/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc Phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014-2020 đã nêu rõ: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với vùng duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB), giai đoạn 2014-2020, sẽ thực hiện chuyển đổi khoảng 105 ngàn ha đất lúa sang các cây trồng khác. Tập trung chuyển đổi mô hình trồng 3 vụ lúa sang trồng màu xen giữa 2 vụ lúa; mô hình 2 vụ lúa chủ động nước sang mô hình 2 lúa – cây rau, màu vụ Đông; mô hình 2 lúa (thiếu nước vụ Đông Xuân) sang 1 lúa Hè Thu (HT) + vụ màu Đông Xuân (ĐX); mô hình 1 lúa thiếu nước, bấp bênh sang trồng cây rau, màu.
Thực tế, vụ Đông Xuân 2014 - 2015, toàn vùng DHNTB đã chuyển đổi đất trồng lúa là 1.932 ha, gồm ngô lai, lạc, dưa, ớt, cỏ chăn nuôi và kế hoạch trong vụ hè thu là 4.425 ha. Trong tình hình hạn hán hiện nay, chuyển đổi đất lúa sang trồng cây rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày là biện pháp vừa tiết kiệm nước tương đối an toàn và phù hợp với sản xuất trong điều kiện khó khăn.
|
Thăm quan mô hình trồng ngô lai luân canh trên chân đất lúa chuyển đổi tại thôn Chánh Thạnh, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Hải Đường) |
Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu rõ, tổng hợp kết quả mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở các tỉnh DHNTB có lợi nhuận tăng từ 1,5 - 3 lần so với trồng lúa, doanh thu 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực hiện tái cơ cấu ngành trong những năm qua vẫn chưa mạnh mẽ, chưa đồng bộ. Do vậy, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác như ngô, lạc, đậu tương, cây thức ăn chăn nuôi,… là rất cấp thiết.
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ kinh nghiệm triển khai một số mô hình chuyển đổi trên địa bàn, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng DHNTB, cần lưu ý một số công tác cơ bản, gồm:
Một là, tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật canh tác thích hợp (giống năng suất cao, giống lai, giống có phẩm chất cao, có thời gian sinh trưởng phù hợp với tổng thời gian trong cơ cấu, có khả năng chống chịu khá vào sản xuất, có khả năng chịu hạn, chịu mặn…;
Hai là, kỹ thuật phải phù hợp với trình độ canh tác, tập quán và điều kiện đất đai để nông dân áp dụng,…) cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở vùng DHNTB, ưu tiên loại cây trồng ngắn ngày, chống chịu tốt (sâu bệnh, hạn, mặn,…), sức cạnh tranh cao, như ngô, đậu tương, lạc, đậu xanh, vừng;
Ba là, hoàn thiện quy trình thâm canh đồng bộ các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng quy hoạch chuyển đổi;
Bốn là, rà soát lại quỹ đất lúa có khả năng chuyển đổi sang cây trồng khác ở các tỉnh trong vùng, trên cơ sở đó qui hoạch cơ cấu cây trồng cụ thể cho từng vùng gắn với quy hoạch hệ thống tưới tiêu hợp lý và tăng cường đầu tư phát triển gắn với thị trường tiêu thụ (chuỗi giá trị), tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng đồng đều;
Năm là, từng bước ứng dụng cơ giới hóa phù hợp với điều kiện đất đai vùng DHNTB; Hỗ trợ nâng cấp các công trình thủy lợi, lắp đặt các hệ thống thiết bị khai thác và tận dụng tài nguyên nước phục vụ sản xuất;
Sáu là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ở các vùng chuyển đổi;
Bảy là, hình thành một số cơ chế chính sách để khuyến khích công tác chuyển đổi (vốn, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, thị trường, thông tin, tuyên truyền...).