“Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nhân và sử dụng khoai tây sạch bệnh”

Thứ sáu, 23/01/2015 16:57

(ĐCSVN) – Ngày 22/1, tại Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Thái Bình tổ chức Hội thảo “Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nhân và sử dụng khoai tây sạch bệnh”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đồng ý rằng, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh tại Thái Bình đã tạo ra được củ giống siêu nguyên chủng có giá thành thấp, chất lượng tốt, với giá bán trên thị trường hiện nay từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi héc-ta khoai tây có thể đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, lãi thu được (55 - 60 triệu đồng/ha) cao hơn sản xuất hai vụ lúa.

Được sự hỗ trợ của Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Khảo nghiệm KNKN Thái Bình đã triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh. Theo đó, mục tiêu của mô hình là tạo ra được củ giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các giống cấp tiếp theo. Tính toán sơ bộ, giá thành sản xuất 1 kg giống khoai tây nguyên chủng 15.330 đồng/kg (trong khi giá giống nhập nội là 24.000 – 25.000 đồng/kg), năng suất bình quân ở các mô hình đạt 500 kg/sào, có nơi lên đến 680 kg/sào. Củ giống khoai siêu nguyên chủng có khả năng chống chịu bệnh tốt hơn giống nhập nội, đặc biệt là bệnh mốc sương, héo xanh, virus….Với giá bán trên thị trường hiện tại là 9.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi héc-ta khoai tây có thể đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, thì lãi thu được (55 - 60 triệu đồng/ha) cao hơn sản xuất hai vụ lúa như hiện nay.

 

 Các đại biểu thăm quan mô hình sản xuất khoai tây từ nguồn giống củ bi sạch bệnh ở xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (Ảnh: X.Minh)

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Huy Thông đề nghị, với công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh đã được ứng dụng thành công như ở Thái Bình, Trung tâm Khảo nghiệm KNKN Thái Bình cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ này trên quy mô diện rộng, nhằm cung cấp nguồn giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng cho sản xuất khoai tây đại trà. Đặc biệt, Trung tâm khuyến nông các tỉnh cần rà soát lại diện tích, quy hoạch lại loại cây trồng để đưa khoai tây vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất khoai tây vụ Đông. Để ổn định giá, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm khoai tây sau thu hoạch, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, quy hoạch, các nhà doanh nghiệp để đảm bảo nông dân sản xuất ổn định, bền vững.

Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, tiềm năng sản xuất khoai tây của Thái Bình còn rất lớn, với hơn 20.000 ha đất có thể trồng giống cây này. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng chiến lược phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây, đưa khoai tây trở thành cây trồng mang thương hiệu Thái Bình.

Nhân dịp này, các đại biểu cũng đã tham quan trực tiếp quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô và sản xuất khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh trong nhà lưới, mô hình nhân giống khoai tây bằng củ bi và bằng cây mạ tại xã Trọng Quan - huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực