Bạc Liêu: Đẩy mạnh phát triển kinh tế Hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

Thứ hai, 20/04/2015 17:33

(ĐCSVN) - Kinh tế hợp tác – hợp tác xã (HT – HTX) tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình HTX thành lập những năm gần đây đã hoạt động đa dạng, có hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

 

Xã viên HTX thu hoạch muối. (Ảnh: baobaclieu.vn)

Bạc Liêu là tỉnh ven biển, thuộc bán đảo Cà Mau, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 2.520 km2, dân số khoảng 873.000 người. Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Cơ cấu kinh tế nội ngành và cơ cấu lao động trong ngành nông, lâm, thuỷ sản cũng có bước chuyển dịch tích cực, theo hướng khai thác tiềm năng phát triển thủy sản.

Thời gian qua, kinh tế HT – HTX là một trong những thành phần kinh tế có vị trí, vai trò quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trên các lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng, giao thông, xây dựng… có nhiều HTX mới được thành lập và hoạt động hiệu quả, trong đó có những HTX được Trung ương tặng danh hiệu là HTX mạnh toàn quốc. Những năm gần đây, nhiều HTX đã khắc phục khó khăn, hoạt động ổn định, hiệu quả, mở rộng liên kết, hợp tác với các tổ hợp tác - HTX, doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Khu vực kinh tế tập thể phát triển đã đóng góp một phần quan trọng trong tăng trưởng GDP của tỉnh; giúp cho người sản xuất nhỏ lẻ có điều kiện liên kết với nhau trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm chi phí trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hoá mới có sức cạnh tranh cao trong kinh tế thị trường. Thông qua mô hình kinh tế HT- HTX đã tạo điều kiện cho người sản xuất kinh doanh trong địa bàn thêm gắn kết, gia tăng sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để đạt được những kết quả nêu trên, Tỉnh ủy đã không ngừng chỉ đạo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế HT- HTX các cấp TXphối hợp với các ngành chức năng tăng cường củng cố các THT- HTX hiện có trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động thành lập mới THT - HTX. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã kết hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác giải thể bắt buộc, tự nguyện đối với những HTX yếu kém, hoạt động mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả; đồng thời tuyên truyền, vận động thành lập mới THT - HTX, tập trung chủ yếu ở các xã, huyện, thành phố trọng điểm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong vùng quy hoạch cánh đồng mẫu lớn; vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, sau khi được củng cố, thành lập mới, chất lượng họat động của các THT - HTX nâng lên rõ rệt. Các cấp, các ngành luôn tạo điều kiện cho THT - HTX liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để giải quyết đầu vào, đầu ra sản phẩm cho các thành viên; chủ động đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Thêm vào đó, tỉnh còn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX, chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 3 cho chức danh HTX và dạy nghề cho người lao động trong khu vực kinh tế tập thể.

Đồng thời, hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng dành một phần kinh phí trong các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn hỗ trợ dạy nghề cho lao động trong khu vực kinh tế tập thể. Mỗi năm tổ chức từ 10 – 15 lớp dạy các nghề như: trồng măng tây xanh, nuôi gà theo quy trình sinh học, làm muối trải bạt,… góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động trong khu vực kinh tế tập thể. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin, tư vấn về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm hàng hóa, giúp các HTX đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.

Nhằm giúp cho các tổ chức kinh tế tập thể từng bước hòa nhập và có vị trí trong nền kinh tế thị trường, tỉnh đã tạo điều kiện cho các THT - HTX tổ chức nhiều đợt tham quan, nghiên cứu học tập kinh nghiệm các HTX điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tham gia các Hội chợ và nhiều chương trình hỗ trợ khác nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa của Bạc Liêu, tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nhân dân ở địa phương. Với các hoạt động hỗ trợ thiết thực đã giúp cho HTX khắc phục được những trì trệ, yếu kém, nỗ lực vươn lên, phát triển với quy mô lớn hơn, chất lượng hoạt động ổn định và có tính bền vững.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của kinh tế HT- HTX vẫn còn một số những tồn tại yếu kém. Cụ thể, công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được sự chuyển biến thật sự trong việc xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Số lượng các hình thức kinh tế tập thể phát triển còn chậm, quy mô hầu hết còn nhỏ; nội dung và chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Vai trò, đóng góp của kinh tế tập thể vào kinh tế, xã hội của địa phương chưa nhiều. Bên cạnh đó, chưa có những mô hình hợp tác xã thật sự tốt, làm ăn hiệu quả cao để tạo niềm tin cho người dân tham gia.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên do xuất phát điểm của kinh tế hợp tác thấp nhưng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp lại chưa nhiều. Một số ít cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và cán bộ chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể; còn mơ hồ về chủ trương phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, sự yếu kém của các HTX cũng làm hạn chế việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể ở thành phần kinh tế này. Các cơ quan tham mưu trong lĩnh vực kinh tế tập thể chưa ngang tầm với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường.

Bởi vậy, theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng, nhằm đưa kinh tế HT- HTX đi vào họat động hiệu quả trên thực tiễn, góp phần thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở địa phương, quá trình xây dựng và phát triển kinh tế HT-HTX cần chú ý tới những điểm cơ bản quan trọng. Thứ nhất là cần nắm vững chủ trương, quan điểm của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể để vận dụng sáng tạo trong thực tế, phù hợp với đặc điểm và điều kiện từng địa phương. Tôn trọng nguyên tắc hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX; đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò làm chủ thật sự của xã viên, gắn bó chặt chẽ giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của xã viên trong HTX.

Thứ hai, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ về bản chất kinh tế tập thể, về vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, cần xác định rõ vai trò và đề cao trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thứ tư, cần củng cố hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể đủ mạnh, đồng thời phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của của Liên minh HTX và các đoàn thể trong quản lý, tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực