Bình Định: Chuyển đổi cây trồng cạn phù hợp trên đất lúa để nâng cao hiệu quả trồng trọt

Thứ năm, 25/06/2015 15:53

(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bình Định, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, bố trí luân canh, xen canh hợp lý, đến nay đã xác định được nhiều phương thức luân canh, xen canh hiệu quả bền vững, nhất là trên đất lúa bấp bênh, sản xuất 3 vụ/năm kém hiệu quả đã chuyển sang trồng cây trồng cạn như lạc, ngô lai, sắn, đậu đỗ ăn hạt, ớt, vừng, cây thức ăn gia súc, rau màu… có hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

 Mô hình trồng thâm canh ngô lai trên đất lúa chuyển đổi tại Bình Định
(Ảnh: Sở NN&PTNT Bình Định)

Đáng chú ý, trong 2 năm 2013-2014, việc chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa đạt kết quả khá. Cụ thể, năm 2013, diện tích chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa là 3.630,2 ha, đạt 54% kế hoạch. Năm 2014, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 5.433 ha. Thực tiễn sản xuất cho thấy, nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi thành công, nhiều công thức luân canh có giá trị thu nhập cao đã được áp dụng có hiệu quả tại một số địa phương trong tỉnh: xã Cát Hải, huyện Phù Cát chuyển đổi 340 ha từ sản xuất 1 vụ lúa bấp bênh sang cơ cấu 1 vụ lạc - 2 vụ hành/năm cho thu nhập 150 triệu - 180 triệu đồng/ha/năm; xã Cát Tài huyện Phù Cát chuyển đổi sản xuất từ 3 vụ lúa bấp bênh/năm sang canh tác các loại cây trồng cạn: ngô, lạc, dưa, ớt, vừng, hành, rau các loại trên 874 ha, áp dụng công thức: lạc xen ớt - ngô lai/vừng - rau xanh giá trị thu nhập 120 triệu - 150 triệu đồng/ha/năm; tại xã Tây Giang - huyện Tây Sơn áp dụng công thức: lạc - dưa chuột - mướp đắng; công thức: lạc - 2 vụ hành lá - dưa chuột giá trị thu nhập trên 200 - 300 triệu đồng/ha/năm...

7 bài học kinh nghiệm rút ra từ việc chuyển đổi

Đánh giá về việc làm này, Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là định hướng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho hộ nông dân góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hơn nữa, thực tế triển khai chủ trương chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa đã đạt được kết quả bước đầu, các tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học về giống cây trồng, phân bón, chế phẩm sinh học, kỹ thuật canh tác mới được ứng ứng dụng rộng rãi trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình, công thức luân canh thực hiện trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được tiềm năng, lợi thế của của địa phương, vùng chuyển đổi được cộng đồng dân cư địa phương đánh giá cao và tạo được niềm tin và nâng cao nhận thức cho bà con nông dân.

Từ thực tiễn, Sở đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Theo đó, thứ nhất, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhất là chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đã được triển khai từ nhiều năm nay đã cho thấy phù hợp điều kiện đất đai, năng lực sản xuất của nông dân cũng như yêu cầu của thị trường, phát huy hiệu quả của từng vùng, tiểu vùng của tỉnh. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp công nghệ mới đã được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất cây trồng cạn đã góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên thực tiễn.

Thứ hai, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với thị trường, có các chính sách hỗ trợ nông dân phù hợp, đồng bộ để việc chuyển đổi có thể triển khai trên diện rộng, đạt kế hoạch đề ra và bền vững.

Thứ ba, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cần có chủ trương chỉ đạo đồng bộ từ các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở và phải được các hộ nông dân trực tiếp sản xuất thảo luận bàn bạc cụ thể để tạo sự đồng thuận trong tổ chức, triển khai, chỉ đạo vận động nông dân thực hiện.

Thứ tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây màu trên đất lúa phải được quy hoạch cụ thể theo vùng, gắn với triển khai các giải pháp mùa vụ, cơ cấu cây trồng, công thức luân canh hiệu quả, phù hợp với từng chân đất, tập quán canh tác…để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thứ năm, việc chuyển đổi phải gắn kết chặt chẽ và chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp - nông dân và sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước, nhà khoa học.

Thứ sáu, hiện nay, điều kiện sản xuất lúa khá thuận lợi, nguồn nước đầy đủ, có các chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất. Trong khi đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ chuyển đổi, phát triển cây trồng cạn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cho nên công tác chỉ đạo chuyển đổi ở cơ sở rất khó khăn. Diện tích chuyển đổi trên đất lúa kém bền vững (diện tích cây trồng cạn chỉ tăng đột biến ở những vụ thiếu nước tưới trên chân đất không sản xuất lúa được).

Thứ bẩy, việc hình thành chuỗi liên kết, thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế, chưa ổn định, đảm bảo yên tâm cho người sản xuất. Việc sản xuất, tiêu thụ lúa đến nay vẫn thuận lợi hơn so với các loại cây trồng cạn khác nhất là rau, màu; bên cạnh đó yêu cầu mức đầu tư cũng như công lao động cho sản xuất lúa cũng thấp hơn các cây trồng cạn như ngô, lạc, rau, dưa…

Tiếp tục chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa

Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Bình Định vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định trong sản xuất trồng trọt là: quy mô sản xuất manh mún, thiếu tập trung; trình độ nông dân không đồng đều giữa các vùng; các địa phương có nguồn vốn để đầu tư cho thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất trồng trọt của nông hộ hạn chế; trong quy hoạch phát triển các loại cây trồng còn bị phá vỡ, thiếu tính bền vững, do thị trường đầu ra nông sản không ổn định; liên kết thị trường và tính cạnh tranh sản phẩm trồng trọt rất hạn chế. Do đó, tuy năng suất, sản lượng cây trồng tăng qua hàng năm nhưng hiệu quả và lợi nhuận đem lại cho người nông dân vẫn còn hạn chế.

Vì lẽ đó, Sở NN&PTNT Bình Định xác định, duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển nhanh, chuyển mạnh diện tích sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả, sang trồng các loại cây trồng cạn, cây thức ăn chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cơ sở đầu tư mạnh về: giống cây trồng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ, năng lực đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá sản xuất trồng trọt. Chú trọng đến tác động của biến đổi khí hậu với quy hoạch, bố trí phát triển sản xuất trồng trọt trong điều kiện diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa có giá trị cao phục vụ tiêu dùng nội địa, vùng sản xuất lúa giống hàng hoá ở những địa bàn có điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và bán cho một số tỉnh phía Bắc, mang lại giá trị gia tăng trong sản xuất lúa.

Sở NN&PTNT Bình Định cũng kiến nghị, để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp nói chung và các địa phương trong khu vực, trong đó có Bình Định nói riêng triển khai tốt kế hoạch sản xuất, phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả, ổn định, bền vững, Bộ NN&PTNT mà trực tiếp là Cục Trồng trọt cần quan tâm hỗ trợ Sở triển khai thực hiện các chương trình phù hợp với định hướng chung về tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả để sản xuất bền vững; Xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao nhanh các giống cây trồng cạn mới (ngô, lạc, vừng, đậu đỗ ăn hạt..) có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, nắng nóng, ngập úng (trong điều kiện biến đổi khí hậu) bổ sung vào cơ cấu sản xuất để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; Xây dựng cơ chế, chính sách để kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông từ tỉnh xuống huyện, xã cho thống nhất; Tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đã được ban hành như chính sách cơ giới hóa nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân, sản xuất nông sản theo VietGAP; khẩn trương ban hành các chính sách mới phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất là chính sách chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa( ngô, lạc, đậu đỗ, cây thức ăn chăn nuôi…, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Cần có định hướng cụ thể về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất là chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa theo qui hoạch, kế hoạch, qui mô diện tích của từng địa phương theo lộ trình, để địa phương có căn cứ triển khai; Tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực nói chung, Bình Định nói riêng về kinh phí cho công tác khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chương trình phát triển giống cây trồng, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu của ngành nông nghiệp./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực