|
Ảnh minh họa (Ảnh: KV) |
Theo UBND tỉnh Bình Định, những năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến nông trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, công tác nghiên cứu, chuyển giao các giống cây trồng được chú trọng. Đối với giống lúa, hàng năm ngành nông nghiệp tỉnh đều giao cho Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư lập kế hoạch khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa triển vọng để có cơ sở chọn được các giống lúa mới, bổ sung nhanh vào cơ cấu giống lúa sản xuất trên địa bàn tỉnh những năm tiếp theo.
Hiện nay, kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt đang được chuyển giao nhân rộng thông qua công tác khuyến nông theo Chương trình cánh đồng mẫu lớn. Trong năm 2014 đã xây dựng được 233 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, lạc, ngô,…với tổng diện tích 9.726ha với số hộ tham gia 58.057 hộ ở tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT cũng được chú trọng. Các cơ quan liên quan tích cực trong công tác nghiên cứu, khảo nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi – thú y, đưa giống mới, tạo con lai, thâm canh đồng cỏ, các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng,…đã được người nông dân áp dụng và nhân rộng cho hiệu quả cao. Chú trọng phát triển các chương trình cải tạo giống bò, nạc hóa đàn lợn, tăng tỷ lệ đàn bò lai. Ngoài ra, việc khai thác các diện tích sản xuất trồng trọt hiệu quả kém chuyển sang trồng cỏ và chăn nuôi, đem lại lợi nhuận cho người nông dân cũng được quan tâm và chuyển giao ra sản xuất.
Trên lĩnh vực thủy sản, hiện nay các quá trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số giống thủy sản mới như: cá rô phi đơn tính dòng GIFT, nuôi cá măng bột, cua xanh, cá bống tượng,…đã được ứng dụng trong sản xuất, góp phần tạo nghề nuôi mới, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất. Các loại giống thủy sản được sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống Nhà nước, tư nhân của tỉnh đảm bảo nhu cầu giống cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở đã ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất như: thụ tinh nhân tạo, thuần hóa, lưu trữ giống; sử dụng các loại thức ăn, các chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.
Bên cạnh đó, các giải pháp trong quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi và các hệ sinh thái, môi trường tại các thủy vực trong tỉnh đã được ứng dụng và ngày càng nhân rộng,…Trong đó, đã áp dụng nhanh các tiến bộ KHKT trong bảo quản sản phẩm như: dùng kho lạnh để bảo quản sản phẩm trên tàu; giảm tổn thất và tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng biện pháp cấp đông nhanh trong các nhà máy chế biến xuất khẩu để giảm sự hao hụt trọng lượng trong quá trình cấp đông,...
Thêm vào đó, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây trồng phục vụ cho công tác trồng rừng, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng. Ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, điều tra, bình tuyển các cây đầu dòng, chuẩn hàng hóa giống cây lâm nghiệp, hình thành nguồn cung ứng cây giống chất lượng cao.
Những kết quả trên cho thấy, công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt, công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế; chưa kịp thời nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng.
Nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu của tỉnh về nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ giai đoạn 2015-2020 là: đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các loại nông sản chủ lực có quy mô tập trung theo hướng hiện đại, an toàn gắn với xây dựng thương hiệu. Cụ thể, tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với địa phương, để bổ sung nhanh vào cơ cấu giống sản xuất của tỉnh. Trong đó, ưu tiên khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng thích ứng điều kiện bất lợi, chống chịu dịch bệnh để chủ động ứng phó điều kiện biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường.
Mặt khác, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo xu hướng hình thành vùng sản xuất giống chất lượng cao. Đối với trồng trọt, chú trọng phát triển các vùng tập trung sản xuất lúa giống ứng dụng đồng bộ công nghệ cao từ sản xuất tới thu hoạch, bảo quản. Đối với thủy sản, tiếp tục phát triển vùng sản xuất tôm giống; ưu tiên ứng dụng công nghệ nhân giống các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao trên thủy vực nước ngọt, nước lợ, mặn; hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch. Đối với lâm nghiệp, tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống sản xuất giống lâm nghiệp chất lượng cao, ưu tiên giống cấy mô.
Ngoài ra, chú trọng đẩy mạnh ưu tiên cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với các tiêu chí lựa chọn: công nghệ có hàm lượng chất xám cao hơn so với mặt bằng sản xuất hiện tại; công nghệ phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ kỹ thuật của địa phương áp dụng. Sản phẩm của công nghệ phải có chất lượng tốt, an toàn, có thị trường và hiệu quả kinh tế.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giống cây trồng,…Bên cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích Doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tỉnh xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các tổ chức tư vấn, môi giới, chuyển giao công nghệ. Tăng cường đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học, nâng cao nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho địa phương./.