Cần chiến lược tổng thể nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi

Thứ năm, 24/10/2013 09:22

(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá thực trạng, định hướng nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030 do Viện Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội, nhiều đại biểu đồng ý rằng trong ngành chăn nuôi, công tác giống đóng vai trò quan trọng bậc nhất, bởi đó là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm.

Theo nhận định của Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thanh Sơn, giống vật nuôi tốt có thể làm tăng năng suất sản xuất của vật nuôi từ 10-50%. Khi áp dụng các biện pháp chọn lọc và lai tạo giống thì chất lượng sản phẩm sẽ thay đổi đáng kể. Giống vật nuôi tốt sẽ đem lại hiệu quả và thương hiệu cho các cơ sở giống, theo đó lợi nhuận và thu nhập cho người nông dân sẽ tăng lên.

Chú trọng tới công tác giống trong ngành chăn nuôi

 

 Chăn nuôi lợn hiện đang phát triển mạnh nhất ở nước ta. (Ảnh minh họa: HNV)


Chẳng hạn, về chăn nuôi gia cầm, Viện Chăn nuôi áp dụng các công thức lai đạt ưu thế lai ở đời con và đời cháu là 8–9 %. Hiệu quả do áp dụng công thức lai giữa các giống, giá trị ưu thế lai đã sinh lợi cho ngành chăn nuôi gia cầm thêm 5,5–6 nghìn tỷ đồng/năm. Ước tính khoảng 29-30% giá trị gia tăng sản lượng thịt, trứng gia cầm là do kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại.

Hay như về giống chăn nuôi bò sữa, giống bò Holstein Friesian (HF) thuần cao sản được nhập nội năm 2001 và đã thích nghi, năng suất tốt với điều kiện Việt Nam. Từ 2009-2012 các doanh nghiệp lớn như TH Milk, Vinamilk đã nhập trên 20.000 con bò sữa HF. Bên cạnh đó, Viện chăn nuôi cũng đã ứng dụng thành công đối với công nghệ phối giống tinh bò phân biệt giới tính.

Ngoài ra, Viện Chăn nuôi đã chọn lọc và xây dựng được đàn bò sữa hạt nhân cao sản với năng suất sữa cao, tương đương năng suất bò sữa Thái Lan và một số nước trong khu vực. Bằng những kết quả nghiên cứu và các giải pháp khoa học kỹ thuật mới, bò thuần HF đã nuôi được ở hầu hết các vùng miền trong cả nước.

Về giống lợn, nghiên cứu đã bước đầu tạo ra nguyên liệu để tạo các dòng tổng hợp có khả năng sinh sản cao, chất lượng thịt tốt. Tạo ra một số tổ hợp lai mới mang thương hiệu Viện Chăn nuôi như VCN01, VCN02, VCN03, VCN04, VCN23, tăng khối lượng đạt 749-785 g/ngày, số con sơ sinh sống cao đạt 11,2 con (VCN04), tỷ lệ nạc đạt 60-62%.

Tuy nhiên, nhiều đạ biểu tham gia Hội nghị cũng chỉ ra, hiện nay, chất lượng giống vật nuôi ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn chưa cao, đặc biệt là năng suất chăn nuôi nông hộ vẫn còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.

Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc chưa nhân rộng được các sản phẩm công nghệ lai tạo giống mới là do hộ nông dân chưa biết hết giá trị của việc áp dụng ưu thế lai trong công tác giống và chưa có sự liên kết chuỗi sản xuất. Vẫn theo chiều hướng “mạnh ai nấy làm,” mặt khác các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quản lý giống vật nuôi làm chưa tốt. Do đó, PGS.TS Vang đề xuất, cần phải tập trung xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất chăn nuôi đảm bảo có sự liên kết từ khâu nguồn giống, thức ăn và chế biến đưa ra thị trường nhằm đảm bảo được các yếu tố về chất lượng, tiết kiệm được chi phí mang lợi nhuận kinh tế và đảm bảo yếu tố môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thực trạng ngành chăn nuôi và những giải pháp đồng bộ phát triển ngành bền vững

 

 Giống vịt nói riêng và gia cầm nói chung cũng được chú trọng quan tâm.
 (Ảnh minh họa: HNV)


Thực tế cũng chứng minh rằng, mặc dù Việt Nam là quốc gia có nhiều giống vật nuôi, nhưng phần lớn các giống này đều có năng suất thấp, thời gian nuôi dài, do vậy, lâu nay, hàng trăm giống mới đã và đang được du nhập vào nước ta. Số liệu thống kê nêu trên cho thấy chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000 - 2010, hàng năm, nước ta đã nhập khẩu bình quân khoảng 1,0-1,2 triệu con giống gia cầm; 500-1.000 lợn giống; 5.000- 6.000 bò giống sữa và thịt.

Việc nhập khẩu nguồn gien mới đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi ở nước ta. Hầu hết các giống ngoại không những được đưa vào sản xuất, chăn nuôi trực tiếp, mà còn được sử dụng làm nguyên liệu di truyền để lai tạo nhằm cải thiện năng suất của các giống trong nước. Ðến nay, một số giống vật nuôi nhập khẩu đã được nhân rộng và phát triển mạnh trong sản xuất như các giống lợn, bò sữa, gà... Chính nhờ có các giống vật nuôi nhập khẩu cùng với việc áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiên tiến đã thúc đẩy sự phát triển phương thức chăn nuôi trang trại công nghiệp trong những năm qua, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu và sử dụng các giống ngoại ồ ạt, thiếu sự kiểm soát không những gây ra hậu quả cho công tác bảo tồn và khai thác các giống vật nuôi trong nước, mà còn mang đến nhiều rủi ro cho ngành chăn nuôi do nhiễm các bệnh dịch mới. Kết quả điều tra nguồn gien vật nuôi đã phát hiện ở nước ta có khoảng 50 giống vật nuôi thuộc 12 loài, nhưng đến nay có 12 giống không được sử dụng, một số giống đã giảm dần và có nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác, cùng với việc nhập khẩu giống từ nước ngoài là việc du nhập thêm một số bệnh mới trên gia súc, gia cầm mà từ trước tới nay chưa hề có ở Việt Nam. Chẳng hạn bệnh Gumboro ở gà trước đây không có ở nước ta, nhưng nay thì khá phổ biến. Nhất là bệnh cúm gia cầm và tai xanh ở lợn chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, nhưng đã và đang gây ra thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là nước ta chưa có một chiến lược quốc gia dài hạn và đầu tư thỏa đáng nguồn lực của xã hội để phát triển giống vật nuôi, trong đó có chương trình bảo tồn, phát triển và khai thác các giống bản địa. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu các biện pháp đánh giá và kiểm soát công tác lai tạo giống, dẫn đến tình trạng lai tạo giống một cách tùy tiện, khiến giống không được đánh giá, kiểm soát về chất lượng nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường và một số giống nội địa không những đã bị pha tạp mà còn có nguy cơ biến mất.

Tình hình trên đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết về việc phải xây dựng kế hoạch phát triển các giống vật nuôi chủ lực để vừa khai thác có hiệu quả các giống nhập khẩu có năng suất cao, phù hợp phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp, đồng thời vừa bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững các giống trong nước phục vụ cho hướng chăn nuôi sinh thái.

Theo các chuyên gia, các nhà quản lý, để làm được như vậy, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp bao gồm: Tiếp tục đầu tư và thực hiện chương trình quốc gia về bảo tồn, cải tiến và phát triển các giống vật nuôi trong nước, trong đó chú trọng các giống đang có thị trường tiêu thụ. Theo đó, xem việc làm này là ưu tiên số một trong chương trình giống vật nuôi trong những năm sắp tới. Thông qua các nguồn lực từ sự nghiệp khoa học, từ chương trình giống ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống có đặc tính tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trước mắt cũng như lâu dài. Cần sớm có cơ chế, chính sách mới phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho chương trình giống vật nuôi hợp lý, khoa học.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAHP, cần có chính sách hỗ trợ phát triển phương thức chăn nuôi sinh thái với vật nuôi chủ lực là các giống trong nước. Ðây là hướng lựa chọn khôn ngoan khi mà ngành chăn nuôi trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm chăn nuôi cùng loại nhập khẩu ngày càng gia tăng.

Hơn nữa, để khai thác và sử dụng có hiệu quả các giống vật nuôi ngoại, giảm thấp nhất rủi ro do dịch bệnh, cần có sự chuyển biến tích cực trong việc nhập khẩu giống. Tránh tình trạng nhập khẩu giống vật nuôi kém thích nghi, hoặc nhập khẩu ồ ạt nhiều nguồn gien mà không có định hướng. Ðồng thời, các cơ sở sản xuất giống cần chú trọng làm tốt công tác chọn lọc, nhân giống đối với các giống đã nhập khẩu, nhằm khai thác hết tiềm năng di truyền của chúng. Ðiều này không những sẽ giảm sự lãng phí nguồn lực cho các doanh nghiệp khi phải nhập khẩu giống liên tục mà còn hạn chế tác động tiêu cực đối với các công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng có hiệu quả các giống vật nuôi trong nước ở nước ta trước mắt cũng như lâu dài./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực