(ĐCSVN) – Trong những năm qua, phong trào nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta khá phát triển. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh ở hầu hết các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch.
Đi tìm nguyên nhân...
Qua tham khảo tại một số địa phương cho thấy, khi dịch đã xảy ra ở phạm vi rộng, các văn bản chỉ đạo chống dịch của tỉnh chưa thực sự phát huy hiệu quả, dịch bệnh vẫn xảy ra và kéo dài. Một trong những nguyên nhân là do địa phương khi ban hành quyết định thành lập đoàn công tác chống dịch, đã giao cho cán bộ xã - không phải cán bộ chuyên môn về thú y thủy sản - chịu trách nhiệm chẩn đoán và xác nhận diện tích dịch bệnh. Điều này dẫn tới nhiều diện tích được báo cáo là có dịch bệnh thủy sản nhưng không được lấy mẫu xét nghiệm trong phòng thí nghiệm vì vậy tên bệnh không được xác định một cách chính xác dẫn tới hiệu quả phòng chống không cao...
|
Cần có những giải pháp đồng bộ để phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản (Ảnh: A.N) |
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo phòng chống dịch của đội ngũ cán bộ làm công tác thú y cơ sở ở một số các địa phương chưa được huy động hoặc chưa tập trung để triển khai các công việc quan trọng như chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Một phần do đội ngũ thú y xã chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về thú y thủy sản, do đó hoạt động thiếu hiệu quả. Ngoài ra, báo cáo và số liệu là một trong những tồn tại lớn nhất của các địa phương về phòng chống dịch bệnh thủy sản. Do đó, lãnh đạo các cấp rất khó nắm bắt được tình hình thực tế xảy ra như: địa điểm có dịch bệnh, thời gian xuất hiện dịch, đối tượng thủy sản bị bệnh, diện tích nuôi và diện tích bị bệnh... để đưa ra biện pháp phòng chống bệnh kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, việc báo cáo dịch bệnh thủy sản chưa theo đúng quy định, phản ứng chống dịch còn chậm. Nguyên nhân là do địa phương chưa huy động lực lượng cán bộ làm công tác thú y hoặc tham gia hỗ trợ triển khai công tác thú y thủy sản. Bên cạnh đó là các hạn chế về trang thiết bị chẩn đoán xét nghiệm, hệ thống báo cáo và cảnh báo dịch bệnh thủy sản, kinh nghiệm giám sát, điều tra ổ dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ và khống chế dịch bệnh; tận dụng tối đa sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cho công tác thú y thủy sản…
Cần các giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia, để công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả thực sự cần hướng dẫn các địa phương xây dựng hoặc rà soát điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với cơ cấu đối tượng nuôi và điều kiện của từng địa bàn. Phía địa phương cũng cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường đối với vùng nuôi, nguồn nước nuôi thủy sản, xử lý nước xả thải, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản.
UBND các tỉnh cũng cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng, trình ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản (kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm). Đối với địa phương chưa có kế hoạch này, cần khẩn trương xây dựng và phê duyệt kế hoạch cho các nội dung chính sau: Giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm các loại dịch bệnh thủy sản gây thiệt hại nhiều cho người nuôi; Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh giống thủy sản; Tăng cường quản lý, giám sát môi trường vùng nuôi; Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, xây dựng bản đồ dịch tễ; Đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền; Kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với việc giám sát dịch bệnh thủy sản (nhất là các dịch bệnh quan trọng trên tôm), phải phân công cán bộ kỹ thuật kiểm tra và giám sát diễn biến dịch bệnh theo từng vùng nuôi; hướng dẫn người nuôi phát hiện sớm và báo cáo đầy đủ cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời; tập trung giám sát bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng, bệnh sữa, bệnh đỏ thân và hội chứng rụng càng gây thối cơ chân trên tôm hùm; Tập trung giám sát vùng nuôi, tăng cường quan trắc và cảnh báo môi trường, thông báo kịp thời cho người nuôi để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh, hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch thủy sản giống, tổ chức lấy mẫu, giám sát định kỳ dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống, làm cơ sở cho việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản giống; kiểm tra các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản lưu thông trên địa bàn, kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người nuôi về những kiến thức liên quan đến các loại dịch bệnh thủy sản và các biện pháp phòng chống dịch bệnh: thường xuyên thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc không giấu dịch, không vứt xác tôm chết, xả nước thải ra môi trường, không di chuyển lồng tôm bệnh sang các vùng nước khác; thực hiện công tác vệ sinh lồng, bè, lưới nuôi và các dụng cụ trước và sau khi sử dụng; sử dụng thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
Việc tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế về phòng chống dịch bệnh thủy sản. Định kỳ tổ chức họp tổng kết, phân tích và nhận định tình hình dịch bệnh; Đánh giá các biện pháp phòng trị dịch bệnh đã triển khai để rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh phù hợp cũng là giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản...