(ĐCSVN) - Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số cần được tăng cường công tác giáo dục - đào tạo để tạo sự phát triển hài hoà giữa các vùng miền.
Nhìn chung, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc, miền núi còn thấp. Một trong những nguyên nhân cơ bản là tỷ lệ mù chữ ở vùng này còn cao, dẫn tới tình trạng phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; việc nhận thức đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015 xóa mù chữ cho 250.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 86%. Đến năm 2020, xóa mù chữ cho 300.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%. Có 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 – 2020.
|
Cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo cho đồng bào dân tộc (Ảnh: Đ.H)
|
Cần khẳng định, đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào trên địa bàn này là một trong những công tác có ý nghĩa thiết thực, cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi nhằm có sự phát triển hài hoà giữa các vùng miền. Công tác giáo dục - đào tạo không chỉ nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc, mà nó còn góp phần thực hiện nhiều nhiệm vụ, mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong tình hình mới hiện nay.
Có đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo, thì đồng bào dân tộc mới có khả năng tiếp thu được những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý kinh tế - xã hội, từ sử dụng lao động phổ thông là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động gắn với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển công nghệ và tiến bộ khoa học - công nghệ. Do đó, vấn đề tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống xã hội, nhất là trong sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng.
Có thể thấy, công tác giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao khả năng tiếp cận khoa học - công nghệ hiện đại đối với người dân ở miền xuôi đã khó, thì công việc này đối với đồng bào dân tộc càng khó hơn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, đầu tư lớn cả về thời gian và kinh phí. Cần ra sức tạo điều kiện cho người dân tộc có nhiều cơ hội học tập hơn; đẩy mạnh phát triển các trường dân tộc nội trú. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đặc biệt cho những học sinh dân tộc học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được theo học ở những bậc học cao hơn. Có quy hoạch và chính sách tuyển chọn người giỏi, tăng ngân sách nhà nước cho việc cử đi đào tạo trình độ cao.
Thực tiễn cho thấy, việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chủ chốt vùng dân tộc thiểu số cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Có thể thấy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt là cầu nối giữa dân với Đảng. Cán bộ là người tiếp thu trực tiếp các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rồi truyền bá lại cho dân, giải thích cho dân hiểu rõ và thực hiện. Cán bộ cũng là người tổ chức nhân dân, giám sát nhân dân thực hiện. Thông qua đó, cán bộ tổng kết, rút kinh nghiệm và báo cáo với Đảng, Nhà nước, giúp Đảng, Nhà nước hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách. Do vậy, đồng bào các dân tộc ở vùng nông thôn, miền núi có hiểu rõ chủ trương, đường lối hay không để vận dụng vào thực tiễn phụ thuộc khá nhiều vào năng lực của đội ngũ lãnh đạo công tác tại vùng này. Đây là yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng,…
Rõ ràng, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì giáo dục - đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự quan tâm đặc biệt, tương xứng để dân trí được nâng cao, tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.