(ĐCSVN) - Trong xu hướng phát triển chăn nuôi theo phương thức liên kết, Tập đoàn CP Việt Nam được đánh giá là một trong những điển hình. Thông qua phương thức liên kết này, người nuôi có thể trực tiếp tham gia quản lý quá trình sản xuất và thụ hưởng theo kết quả sản xuất, nhờ đó đã tạo ra sức sản xuất mới và có thu nhập ổn định.
Cách tiếp cận mới
Để phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo phương thức liên kết ở Việt Nam, Tập đoàn CP Việt Nam (gọi tắt là CPV) đã có những nghiên cứu về mức sống ngày càng tăng ở Việt Nam. Theo Tập đoàn này, cùng với tăng trưởng GDP trong phát triển kinh tế Việt Nam những năm qua, đã thúc đẩy tăng về cầu thực phẩm giàu protein động vật. Theo đó, cầu về thực phẩm giàu năng lượng mà chủ yếu là gạo đã giảm đáng kể trên đầu người. Xu thế này vẫn tiếp tục thay đổi trong 10-15 năm tới đặc biệt ở khu vực nông thôn, nơi chiếm 60% dân số đang sinh sống. Điều này đã dẫn đến bài toán về tái cơ cấu ngành nông nghiệp về sản xuất lúa gạo và sản xuất thức ăn chăn nuôi cho những năm tiếp theo.
|
Ảnh minh hoạ (Nguồn: 24h.com.vn) |
Tập đoàn CPV đã đưa ra số liệu thống kê cho thấy rất rõ nét về quy luật thay đổi cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam. Trong những năm 1980 bình quân mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ một năm chưa tới 10 kg thịt các loại, 20 quả trứng và sữa gần như không có thì hiện nay một người dân Việt Nam đang tiêu thụ một năm 35 kg thịt các loại, 80 quả trứng và 4 lít sữa. Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt ở Việt Nam vẫn dưới mức trung bình của thế giới hiện nay là 48 kg thịt/đầu người/năm. Dự báo thế giới vào năm 2020, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu gười sẽ tăng gấp 2 lần ở các nước đang phát triển, và ở các nước công nghiệp phát triển mức tiêu thụ thịt hàng năm của một người sẽ lên tới 90 kg, tăng 10 kg so với hiện nay. Thịt lợn là nguồn protein động vật chiếm tỷ trọng cao nhất trong các loại thịt. Người dân trên thế giới tiêu thụ 55% thịt lợn, 25% thịt gà, 15% thịt bò và còn lại 5% các loại thịt khác. Trung bình các nước châu Âu tiêu thụ 42 kg thịt lợn/người/năm, trong đó nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất là Áo với 70 kg/người/năm. Ở châu Á, Hồng Kông (Trung Quốc) có mức tiêu thụ thịt lợn cao nhất (64 kg/người/năm). Mức tiêu thụ thịt lợn ở Việt Nam là 25 kg/người/năm chiếm 70% lượng thịt các loại.
Cùng với việc gia tăng về lượng tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc protein động vật thì nhu cầu an toàn thực phẩm càng được đẩy mạnh. Khái niệm và quy chuẩn về an toàn thực phẩm cũng ngày càng được siết chặt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra khái niệm thực phẩm an toàn phải là thực phẩm không chứa bất kỳ một yếu tố gây hại nào đến sức khoẻ người tiêu dùng dù ở mức cấp tính hay mãn tính. Các quy chuẩn và quản lý an toàn thực phẩm của các nước khác nhau có sự khác nhau, nhưng nhìn chung đều hướng tới ngày càng cao hơn về độ an toàn cho con người. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng thường được quan tâm bao gồm các chất hoá học, hoóc môn kích thích sinh trưởng, kháng sinh và vi sinh vật. Mức độ đạt chuẩn về thực phẩm an toàn phụ thuộc vào sự hoàn chỉnh của giải pháp công nghệ và quản lý ở tất cả các mắt xích trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ từ thức ăn chăn nuôi, trại chăn nuôi đến sản phẩm thực phẩm.
Nông thôn Việt Nam vốn có truyền thống chăn nuôi theo mô hình nông hộ, tự cung tự cấp cho thị trường địa phương tại chỗ và sử dụng các giống lợn địa phương có khả năng thích nghi cao, nhưng năng suất và hiệu quả chăn nuôi thấp, khó có thể đáp ứng trước sự thay đổi nhanh của xã hội cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, liên kết phát triển chăn nuôi công nghiệp trong nông thôn giữa doanh nghiệp và nông hộ là một thực tiễn khách quan, đã được CPV thực hiện hơn 20 năm.
Hệ thống chăn nuôi đa điểm
Mô hình liên kết chăn nuôi lợn công nghiệp của CPV với người dân Việt Nam được thực hiện theo phương thức gia công. Theo đó, các hộ nuôi gia công cần có diện tích đất phù hợp với quy mô chăn nuôi của mỗi loại vật nuôi, ở khu vực an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư và các trại chăn nuôi khác. Địa điểm chăn nuôi cần có kết cấu hạ tầng về giao thông, nguồn điện và nước. Người nuôi gia công đầu tư về chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, lao động, điện, nước và CPV đầu từ con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật, thuốc thú y và tiêu thụ sản phẩm. Người nuôi gia công có thể trực tiếp tham gia quản lý quá trình sản xuất và thụ hưởng theo kết quả sản xuất, hoặc người nuôi gia công có thể ủy quyền quản lý sản xuất cho CPV và thụ hưởng theo mức thu nhập cố định.
Điểm đáng chú ý, CPV chú trọng ưu tiên phát triển chăn nuôi gia công ở những khu vực đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, năng suất cây trồng thấp với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng, tăng năng suất cây trồng và thúc đẩy hình thành hệ thống cây trồng vật nuôi mới, làm tăng giá trị gia tăng của hệ thống sản xuất. Hệ thống chăn nuôi đa dạng về quy mô để thu hút người dân đầu tư. Hệ thống chăn nuôi lợn của CPV được tổ chức theo hai loại hình chính là chăn nuôi lợn nái sinh sản và chăn nuôi lợn thịt giai đoạn sau cai sữa đến xuất chuồng với nhiều quy mô khác nhau tùy thuộc vào diện tích đất và khả năng đầu tư của người dân. Theo đó, trại chăn nuôi lợn nái sinh sản thường có quy mô từ 600 lợn nái/trại đến 4.800 lợn nái/trại, và trại chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 500 con/trại – 10.000 con/trại. Hệ thống chăn nuôi này được gọi là hệ thống đa điểm. Hệ thống chăn nuôi đa điểm không những có ưu điểm về thu hút đầu tư của người dân bằng cách mỗi hộ nông dân có thể tham gia vào một công đoạn chăn nuôi lợn khác nhau với quy mô khác nhau, mà còn có nhiều ưu điểm khác như an toàn sinh học cao, làm giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, sử dụng tốt nguồn lao động nông nhàn tại chỗ, kết hợp tốt phát triển hệ thống cây trồng vật nuôi trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Cùng với quá trình sản xuất chăn nuôi gia công là việc hướng dẫn và giám sát thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi của hộ nông dân thông qua đội ngũ kỹ sư chăn nuôi và bác sỹ thú y của CPV. Chính nhờ hoạt động này mà kỹ thuật chăn nuôi lợn công nghiệp được chuyển giao cho hộ nông dân. Nhiều người dân đã tiếp thu được kinh nghiệm và kỹ thuật do vậy họ đã có thể tự sản suất kinh doanh độc lập, trở thành doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nay.
Với tư vấn thiết kế chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đã giúp người chăn nuôi chủ động kiểm soát nhiệt độ, đảm bảo phù hợp với đặc tính sinh lý của mỗi loại lợn, giúp cho con vật khoẻ mạnh, năng suất cao, đồng thời có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh thông qua các vật chủ trung gian như côn trùng, chim và chuột; do vậy giảm chi phí thuốc thú y và giảm thiểu tồn dư kháng sinh. Theo đó, chuồng nuôi đã hướng tới đảm bảo tiện lợi cho hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý theo chế độ cùng vào cùng ra, tiết kiệm được lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Giống lợn được CPV nghiên cứu và phát triển bằng cách nhập nguồn gen từ nước ngoài để tạo lập quần thể giống gốc ban đầu. Đánh giá di truyền bằng phương pháp hiện đại BLUP, chọn lọc và nhân giống trong điều kiện Việt Nam, giúp con vật có khả năng thích nghi cao với điều kiện chăn nuôi của nước ta. Chiến lược cải thiện di truyền giống lợn của CPV là làm gia tăng tổng lợi nhuận trong hệ thống sản xuất-phân phối-tiêu thụ thịt lợn. Mô hình hệ thống giống trong sản xuất lợn thịt thương phẩm được phát triển trên nhiều dòng lợn khác nhau từ các giống lợn landrace, yorkshire, duroc, pietrain và gần đây giống lợn berkshire đang được bổ sung vào hệ thống giống để cải thiện chất lượng thịt lợn có độ mềm và thơm ngon hơn.
Có thể thấy, mô hình chăn nuôi gia công của CPV là một mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để phát triển chăn nuôi công nghiệp trong nông thôn, đặc biệt trên vùng đất nghèo dinh dưỡng không có lợi thế trồng trọt. Điều này đã tạo xu thế mới trong chuyển đổi hệ thống cây trồng vật nuôi, tăng giá trị của hệ thống sản xuất và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất.