Cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn

Thứ hai, 17/03/2014 07:52

(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những thay đổi tích cực. Đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn nhiều vùng quê được khang trang hơn.

Đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu
cho lao động nông thôn. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Nông nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo được an ninh lương thực, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Có thể nói, phát triển nông nghiệp - xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu kinh tế lớn nhất của nước ta trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, theo ông Tăng Minh Lộc - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nội tại nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta vẫn còn chứa đựng nhiều mảng yếu, quá trình tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đã bộc lộ rõ những mảng yếu đó, bên cạnh đó cũng phát sinh thêm một số mâu thuẫn mới.

Những tồn tại cần sớm tháo gỡ

Nhìn chung, nông nghiệp nước ta vẫn mang nặng tính chất của nền sản xuát nhỏ, phân tán. Ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế nên năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, chỉ số cạnh tranh của hầu hết nông sản nước ta chỉ ở mức trung bình và dưới trung bình của thị trường thế giới. Nhiều nghề sản xuất nông nghiệp ở nước ta thiếu tính bền vững, khả năng thích ứng với biến đổi của thiên nhiên, của giá cả thị trường còn rất hạn chế.

Công nghiệp - dịch vụ trong nông thôn rất khó phát triển. Quá trình đô thị hoá nông thôn diễn ra với tốc độ khá song lại mang nặng tính tự phát, huỷ hoại môi trường thiên nhiên; tình trạng ô nhiễm môi trường sống ngày càng trầm trọng, dịch bệnh ở người và gia súc có xu hướng gia tăng. Tệ nạn xã hội không giảm. Nhiều vùng quê không không còn là nơi lưu giữ sinh thái xanh đẹp và bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Thu nhập và mức sống của nông dân tuy có được cải thiện nhưng còn thấp. Chênh lệch giữa các vùng, giữa nông thôn và đô thị ngày càng cách xa. Ở những khu vực bị thu hồi nhiều ruộng đất cho làm công nghiệp và đô thị, hầu hết lao động thiếu việc làm, bộ phận được chuyển nghề vào làm việc ở khu vực công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% lao động mất ruộng vì vậy đời sống khó khăn. Sự chênh lệch mức sống, sự thiếu việc làm và thu nhập thấp ở nông thôn đã thúc đẩy làn sóng di dân tự do tìm việc làm ở đô thị rất mạnh mẽ (nhiều nơi 40% lao động là thanh niên thường xuyên rời bỏ quê đi tìm việc lưu động ở các đô thị trên đồng ruộng đa số lao động là phụ nữ, người già và trẻ em), điều đó không chỉ tạo sức ép tiêu cực đến xã hội - môi trường đô thị mà còn là nguy cơ tiềm ẩn những bất ổn về xã hội.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng có nguyên nhân quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và kinh tế hội nhập, như: Trình độ kiến thức, kỹ năng lao động của người dân còn thấp; trình độ quản lý - tổ chức của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở (thôn, xã) còn yếu kém; lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật khu vực nông nghiệp nông thôn còn mỏng manh. Nhiều nơi chuyển ruộng cho công nghiệp, dù doanh nghiệp có ưu tiên tuyển lao động trẻ cho các hộ mất ruộng nhiều thì họ cũng khó có thể đảm nhận công việc kỹ thuật có thu nhập cao. Tình trạng khó tìm việc làm, năng suất lao động thấp, thu nhập bấp bênh, tệ nạn xã hội gia tăng chủ yếu… bắt nguồn từ trình độ lao động thấp, chưa được chuẩn bị kiến thức nghề (cả nghề nông và phi nông) và kiến thức sống để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng cao.

Ra sức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Với tình trạng chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay, nếu không được tích cực cải thiện thì không chỉ khó khăn cho phát triển nông nghiệp mà còn là rào cản tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, thì việc đào tạo, bao gồm đào tạo nghề cho nông dân, kiến thức tổ chức quản lý kinh tế - xã hội cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tăng cường lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp – phát triển nông thôn cho cấp xã cần được coi là giải pháp trọng điểm, là khâu ”đột phá” trong giai đoạn tới căn cứ vào mục tiêu trên để đề ra kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tương thích. Theo đó thì đến năm 2020, có khoảng 60-70% lao động nông nghiệp sẽ được chuyển sang các ngành công nghiệp, dịch vụ. Số lao động đó phải được đào tạo nghề cơ bản và số nông dân còn lại phải được đào tạo nghề nông đạt tỷ lệ khoảng 40%.

Đẩy mạnh đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại. Bồi dưỡng đào tạo nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp để có năng suất, chất lượng tốt, giá thành hạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng cho họ làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất có hiệu quả. Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới để giúp họ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển làng, xã, tự giác đóng góp xây dựng và quản lý sau xây dựng các công trình hạ tầng của cộng đồng.

Tăng cường hơn nữa đào tạo nghề cho nông dân với nhiều hình thức như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức qua trung tâm học tập cộng đồng tại thôn; qua các mô hình mẫu của chương trình khuyến nông; đào tạo, bồi dưỡng tại hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nông nghiệp tỉnh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho lao động nông thôn. Đối tượng này chủ yếu là tầng lớp thanh niên, giúp họ chuẩn bị sẵn điều kiện chuyển sang lao động nghề phi nông nghiệp trong nước. Cần đặc biệt coi trọng dạy nghề, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu lao động.

Tiếp tục nâng cao kiến thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ xã và quyết tâm tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ sở. Nội dung đào tạo chủ yếu là kiến thức luật pháp, quản lý kinh tế - xã hội, kiến thức tổ chức thực hiện các chủ trương, đề án của cấp trên ở địa bàn thôn, xã.

Phát triển thêm các trường nội trú, trung học cơ sở, trung học phổ thông (theo cụm xã) cho các huyện vùng núi khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên) gắn với dạy nghề cho học sinh cuối cấp. Tăng cường hơn nữa việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, các tỉnh vùng khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Trung Bộ) phổ cập THCS, các tỉnh còn lại cần đạt phổ cập THPT. Tiếp tục đầu tư kinh phí cho kiên cố hoá phòng học (đạt chuẩn) ở khu vực nông thôn chưa hoàn thành. Hỗ trợ kinh phí sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng nghèo và sinh hoạt phí cho học sinh các trường nội trú.

Thúc đẩy công tác dạy nghề. Tăng cường kinh phí đầu tư xây dựng các mô hình khuyến nông, xây dựng mô hình nông thôn mới hơn trước. Hỗ trợ mỗi huyện có 1 Trung tâm dạy nghề tổng hợp theo chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (do doanh nghiệp đầu tư và thực hiện). Có cơ chế thông thoáng giúp cho người học nghề được vay ngân hàng không lãi suất tiền học phí. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo công nhân. Đẩy mạnh hoạt động đưa cán bộ khoa học kỹ thuật về nông thôn...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực