(ĐCSVN) - Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã có những bước tiến mạnh mẽ, từ một nước thiếu lương thực vào những năm trước 90, đến nay, về cơ bản Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đã có những mặt hàng xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới như gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cao su…
|
Ảnh minh họa (Ảnh: K.V) |
Cần tăng cường gắn các nhà khoa học với nông dân
Nhìn chung, tỷ lệ đói nghèo giảm rõ rệt, đời sống dân sinh ngày một tốt hơn. Tuy nhiên khoảng cách giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi, giũa các dân tộc ngày một doãng xa. Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp thấp hơn với tăng trưởng công nghiệp. Theo GS.VS Trần Đình Long, Hội Giống Cây trồng Việt Nam, không có lý do gì trong một xã hội công bằng người dân sống ở nông thôn lại không được hưởng thụ các thành quả của đổi mới đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, dân tộc thiểu số, nơi còn thiếu lương thực, sẽ tạo thành vấn đề xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là kinh tế. Vậy phải làm gì, có quyết sách gì để giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang là vấn đề đặt ra.
Có thể thấy, nông nghiệp dù có cố gắng đến mấy cũng không giải quyết được triệt để vấn đề việc làm và thu nhập của nông dân. Đất nước muốn tăng trưởng nhanh cần phải phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, chúng ta không thể cứ để bất kỳ một địa phương nào cũng có quyền biến hàng ngàn ha đất nông nghiệp thành sân golf, khu dự án, mở mang đô thị. Không những thế, hệ luỵ của nó thể hiện ở nhiều mặt, như cảnh quan nông thôn ngày càng biến đổi, kiến trúc kiểu bê tông hoá, nhà ống, nhiều tầng nhiều chóp thi nhau đua nở, môi trường ô nhiễm, tệ nạn xã hội xâm nhập, văn hoá “ bán anh em xa mua láng giềng gần” thay bằng xã hội công nghiệp hiện đại, khi cùng sống trong một chung cư, ngay sát nhà nhau, nhưng nhà nào biết nhà nấy, đành rằng phát triển nông nghiệp, nông thôn là vấn đề hết sức phức tạp, chúng ta đã có nhiều quyết sách đúng đắn tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, với sự tác động khôn lường do biến đổi khí hậu toàn cầu, sự khan hiếm lương thực do lạm phát, giá năng lượng leo thang, tăng dân số, những việc ta đã làm là chưa đủ. Khoán 10 đã đột phá 2 vấn đề chính đó là vai trò kinh tế hộ thoát khỏi chế độ bao cấp, bước đầu đã xác định được kinh tế trang trại và mô hình hợp tác xã kiểu mới, tuy nhiên, vẫn chưa làm được việc rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp, chưa tạo thêm việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, chính sách dồn điền đổi thửa hầu như không có chuyển biến đáng kể, tăng cường cơ giới hoá không hợp lý dẫn tới nguy cơ làm tăng thất nghiệp ở nông thôn, thu nhập của nông dân giảm sút.
Khẩu hiệu “ly nông bất ly hương” được phổ biến rộng, nhưng làn sóng người nông thôn nhập cư vào đô thị ngày một gia tăng, vì không ly hương thì làm gì có thu nhập cho cuộc sống gia đình, khi đất sản xuất đã mất. Chúng ta đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá với mục tiêu tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho nông dân, nhưng trên thực tế nông nghiệp đang chững lại, tài nguyên thiên nhiên nông thôn đang bị khai thác kiệt quệ, các chính sách đối với nông nghiệp và nông thôn còn nhiều bất cập. Trong những năm tới, nông thôn vẫn là nơi cư trú và nông nghiệp vẫn là việc làm chính của nông dân vì vậy, cần đề ra hàng loạt các giải pháp mang tính cách mạng để về cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020, đã đến lúc chúng ta phải tạo ra bước đột phá thực sự về khoa học kỹ thuật nông nghiệp để gắn các nhà khoa học với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Cần đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật
Trong thời gian qua, nhất là sau gần 30 năm đổi mới, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nước ta. Đã có những tiến bộ vượt bậc về giống cây trồng và vật nuôi, điển hình là các giống lúa xuân đã thay thế toàn bộ hệ canh tác lúa chiêm - mùa của Việt Nam sang cơ cấu 3 vụ (lúa xuân - lúa mùa - cây vụ đông), ở các tỉnh phía Bắc; chuyển từ cơ cấu 1 vụ lúa mùa sang 3 vụ lúa đông xuân - hè thu - thu đông hoặc 2 lúa - 1 mầu, ở các tỉnh phía Nam.Chúng ta cũng đã tạo được những bước đột phá trong việc sử dụng các giống ưu thế lai ở lúa, bông, đặc biệt ngô lai đã chiếm tới 90% diện tích trong số 1 triệu ha/năm. Đã tự túc được từ 80-90% các giống đậu tương và lạc có năng suất cao. Bước đầu đã phát triển tốt các giống đặc sản như lúa tám, nàng thơm, vải Thanh Hà, Lục Ngạn, bưởi da xanh, Phúc Trạch, nhãn Hương Chi, xoài hạt lép, thanh long Bình Thuận, chuối tiêu hồng Khoái Châu…
Về chất lượng giống trong sản xuất từng bước đang được cải thiện, riêng giống lúa đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận ở các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 75%, vùng ĐBSCL đạt trên 30%. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật và năng lực của đội ngũ của ngành giống từng bước được tăng cường. Có nhiều viện, trường đại học tham gia vào hệ thống nghiên cứu và phát triển giống. Mặc dù chúng ta có số lượng lớn giống cây trồng mới, tuy nhiên tỷ lệ giống nhập khẩu rất cao, chỉ có 8% diện tích trồng khoai tây là trồng bằng giống Việt Nam, trong số 10 giống cà chua đang trồng phổ biến có tới 8 giống nhập từ nước ngoài, diện tích trồng giống dứa Cayen nhập từ Thái Lan và Trung Quốc chiếm tới 40%…
Phương pháp sử dụng trong chọn tạo giống ở nước ta chủ yếu vẫn là các phương pháp truyền thống (lai hữu tính, đột biến…), phương pháp công nghệ sinh học mới ở thời kỳ khởi động, công nghệ invitro chủ yếu để nhân giống vô tính. Đầu tư cho nghiên cứu về giống còn tản mạn, manh mún, các chương trình nghiên cứu về giống chưa xuất phát tứ nhu cầu của thị trường, còn nặng về sở thích khoa học hoặc có sẵn từ nước ngoài không phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Về tổ chức KHCN còn quá phân tán, chồng chéo nhiệm vụ, nguồn nhân lực thiếu các chuyên gia đầu ngành, nhiều thày ít thợ, cơ chế tuyển chọn, thực hiện và đánh giá các đề tài còn quá bất cập vì vậy các kết quả nghiên cứu không mang tính chất đột phá, xa rời thực tiễn sản xuất, thiếu sự gắn kết giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau, vì vậy sản phẩm của các đề tài chỉ dừng ở mức kỹ thuật đơn lẻ, chưa trở thành công nghệ hoàn chỉnh. Hệ thống sản xuất giống của ta còn yếu về kỹ thuật hạt giống, về công nghiệp hạt giống và hệ thống phổ biến và thương mại giống. Ngoài một vài cơ sở có đủ điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất để sản xuất giống đảm bào chất lượng, phần lớn các đơn vị sản xuất giống còn chạy theo số lượng, nhất là hệ thống sản xuất giống nông hộ.
Còn nhiều hạn chế về chính sách và quản lý nhà nước về giống. Thiếu hệ thống thanh tra chuyên ngành về giống cây trồng, lực lượng cán bộ và trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng giống còn thiếu, nhất là ở các địa phương. Hiện tại Việt Nam chưa có một chính sách hoàn chỉnh về giống cây trồng, hiệu quả đầu tư vào các chương trình giống quốc gia còn nặng về số lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư quá thấp.
|
Trồng hoa kỹ thuật cao (Ảnh: K.V) |
Một số giải pháp
Để nông nghiệp nước ta chuyển mạnh từ nền nông nghiệp số lượng sang nông nghiệp chất lượng, đạt giá trị cao trên một đơn vị diện tích, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, cần tập trung vào một số giải pháp chính sau đây:
Các bộ, ngành chức năng cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lấy việc xây dựng chiến lược phát triển KHCN nông nghiệp làm nòng cốt. Coi việc ứng dụng KHCN vào sản xuất như là một yếu tố đột phá, như chìa khoá cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, xây dựng chiến lược và chính sách phát triển KHCN phù hợp với cơ chế thị trường, lấy phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) làm nòng cốt.
Trước hết cần phải nắm vững khái niệm cơ bản về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Trong nông - lâm - ngư - nghiệp, khái niệm CNC là sự kết hợp và ứng dụng 4 lĩnh vực công nghệ chủ yếu - công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học (CNSH) và năng lượng nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông ,lâm, ngư nghiệp để tạo ra sự đột phá về năng suất chất lượng hàng hoá, thoả mãn nhu cầu về lương thực, thực phẩm và đời sống văn hoá cho con người. Công nghệ cao trong nông nghiệp là sự áp dụng hợp lý các kỹ thuật tiên tiến nhất trong việc chọn tạo giống mới, chăm sóc nuôi dưỡng cây, con bằng hệ thống thiết bị tự động, điều khiển từ xa, chế biến phân vi sinh cho cây trồng, thức ăn cho chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, tự động hoá trong thuỷ lợi, công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ xử lý chất thải bảo vệ môi trường, công nghệ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó CNSH đóng vai trò chủ đạo.
Cần xác định những nội dung chủ yếu về công nghệ cao trong nông nghiệp như công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm, công nghệ cấy truyền phôi, kỹ thuật nhân bản gen ứng dụng trong ngành chăn nuôi, công nghệ sản xuất vắc xin trong thú y, công nghệ điều khiển, thu nhận, truyền số liệu tự động từ xa (công nghệ SCADA) trong thuỷ lợi, ứng dụng công nghệ gen trong chọn tạo giống cây trồng mới gọi là cây trồng biến đổi gen (GMC) hay còn gọi là cây trồng chuyển gen - cây trồng CNSH. Cùng với việc ứng dụng CNSH trong chọn tạo giống mới, cần ứng dụng hệ thống nông nghiệp chính xác như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống viễn thám (RS) và công nghệ tốc độ biến đổi (VRT), thực hiện nguyên tắc quản lý canh tác chính xác (CTCX), bao gồm xác định vùng được áp dụng CTCX, thiết lập các mục tiêu về năng suất, phân tích dinh dưỡng đất ra quyết định về phương pháp và cách làm đất, chọn giống gì, loại phân bón nào để đạt mục tiêu năng suất đã đặt ra, áp dụng tưới tiêu chính xác, theo dõi và lập bản đồ năng suất… Hiện nay ở châu Âu người ta đã bắt đầu làm nghề nông bằng vệ tinh, gắn chip điện tử vào từng cây ăn quả để chăm sóc cây trồng. Việt Nam cần xác định lộ trình phù hợp với từng giai đoạn phát triển để áp dụng các công nghệ thích hợp.
Để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nước ta trong thời gian tới, để KHCN đóng vai trò đòn bẩy, then chốt có tính tất yếu, quyết định đến tốc độ, bước đi, quy mô của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trước hết cần có cuộc cách mạng trong tổ chức lại mạng lưới nghiên cứu KHKTnông nghiệp trong cả nước, hình thành Trung tâm KHCN nông nghiệp cao, Trung tâm công nghệ khí sinh học… Xây dựng cơ chế để tập hợp được toàn bộ lực lượng khoa học có liên quan đến nông nghiệp đang ở các bộ ngành khác, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, gắn với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị đủ hiện đại để thực hiện được các nhiệm vụ trọng điểm trong từng giai đoạn, đặc biệt có các chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của trí thức nhằm phát huy trong thực tiễn những thành quả lao động sáng tạo của trí thức, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách phù hợp với lao động đặc thù của trí thức, nhằm trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.