(ĐCSVN) – Theo Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy (VietCert) thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học công nghệ, việc chứng nhận chất lượng phân bón được xem là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực phân bón hiện nay.
Thực tế sản xuất nông nghiệp đã chỉ rõ, phân bón là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến năng suất và chất lượng nông sản. Nếu được sử dụng đúng theo quy định, phân bón sẽ phát huy được những ưu thế, tác dụng đem lại sự màu mỡ cho đất đai, đem lại sản phẩm trồng trọt nuôi sống con người, gia súc. Ngược lại, nếu sử dụng không đúng theo quy định, phân bón lại chính là một trong những tác nhân gây hại cho cây trồng và gây ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường sống.
Cần thiết phải chứng nhận chất lượng phân bón
VietCert nhận định rằng, ngày nay, người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm, hàng hóa từ các khía cạnh an toàn, tác động đến sức khỏe và môi trường, bền vững, tương thích và phù hợp với mục đích sử dụng. Xuất phát từ nhu cầu này, các hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tiến hành nhằm giúp người tiêu dùng có quyết định đúng đắn khi lựa chọn sản phẩm, hàng hóa trên thị trường; giúp các nhà cung ứng sản phẩm, hàng hóa biết được mức chấp nhận của thị trường để phấn đấu và làm thỏa mãn nhu cầu cũng như các yêu cầu luật định, đặc biệt là yêu cầu về an toàn của sản phẩm, hàng hóa; giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Phân bón là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm về khía cạnh môi trường khi sử dụng và nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010, trong đó nêu rõ, các loại phân bón có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến an toàn, tác động đến sức khỏe và môi trường phải được chứng nhận và công bố hợp quy.
Cũng theo VietCert, thông qua dịch vụ đánh giá chứng nhận, các tổ chức chứng nhận sẽ góp phần giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón không ngừng hoàn thiện về thiết bị công nghệ, quy trình sản xuất, về hệ thống quản lý chất lượng/môi trường để sản phẩm, quá trình luôn phù hợp với quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa đồng thời giúp các doanh nghiệp có bằng chứng đáng tin cậy cho khách hàng và các đối tác liên quan khi mua và sử dụng những sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng như góp phần gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua dấu chứng nhận hợp chuẩn hợp quy.
Về bản chất, chứng nhận sản phẩm là hoạt động thông qua một tổ chức, đóng vai trò là một bên thứ ba độc lập, đưa ra sự đảm bảo bằng văn bản rằng một sản phẩm, hàng hóa phù hợp với một trong các yêu cầu quy định trong một tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng còn quy chuẩn kỹ thuật là bắt buộc áp dụng.
Hoạt động chứng nhận sản phẩm có thể bao gồm nhiều hoạt động khác nhau: chọn mẫu sản phẩm, đánh giá sản phẩm, đánh giá quá trình sản xuất hay hệ thống quản lý chất lượng, xem xét kết quả đánh giá và ra quyết định, giám sát sau chứng nhận...
Khó khăn trong hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón hiện nay
|
Một trong nhiều sản phẩm phân bón của Công ty phân bón Bình Điền Long An được công nhận chất lượng (Ảnh: Trang tin điện tử của Công ty Bình Điền) |
Cũng theo VietCert, hiện nay còn khá nhiều khó khăn và thách thức trong hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón hiện nay. Đơn cử như: Quy chuẩn kỹ thuật phân bón chỉ theo Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT, trong khi Quy chuẩn này và Luật Tiêu chuẩn Kỹ thuật lại có chênh nhau về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gây khó khăn trong giải thích với khách hàng...
Mặc dù quản lý phân bón theo danh mục được ban hành bởi Bộ NN&PTNT tuy đã phát huy hiệu quả, giá trị nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp, doanh nghiệp thường tốn kém về thời gian, công sức, chi phí mà hiệu quả chưa cao cho việc hoàn thành các thủ tục để đăng ký phân bón của mình vào danh mục. Nhiều doanh nghiệp muốn kinh doanh phải trải qua các quá trình khảo nghiệm, đăng ký rất mất thời gian dù loại phân bón họ muốn sản xuất thường có công thức, cách sử dụng tương đối giống với những loại phân bón đã được đưa vào danh mục và đã có trên thị trường
Thêm nữa, phân bón chưa được xem là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện do đó, khi tổ chức chứng nhận thực hiện cũng vấp phải một số trở ngại...
Để nâng cao hoạt động quản lý chứng nhận chất lượng phân bón
Kiến nghị nội dung nâng cao hoạt động quản lý, góp phần nâng cao chất lượng phân bón hiện nay, VietCert cho rằng, đã đến lúc phải hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón; thay đổi phương thức quản lý phân bón.
Đáng chú ý, cần nhanh chóng đưa phân bón vào danh mục mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện. Do chất lượng phân bón có ảnh hưởng đặc biệt tới sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia nên phân bón cần phải được đưa vào danh mục các mặt hàng sản xuất có điều kiện để đảm bảo chất lượng phân bón ngay từ gốc. Theo đó, các đơn vị phải đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống quản lý bảo đảm chất lượng phân bón, hệ thống quản lý môi trường, nhân lực...
Hơn nữa, do nguồn phân bón lưu thông trên thị trường còn vào Việt Nam từ hoạt động nhập khẩu nên cần đưa ra các nội dung cụ thể về điều kiện kinh doanh, trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ thanh tra kiểm tra việc doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhưng không tạo ra cơ chế xin cho trong cấp giấy phép kinh doanh
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kiểm tra thanh tra về quản lý chất lượng phân bón với các hoạt động tập huấn, các hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng khác...
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thực thi pháp luật, xây dựng và ban hành các quy định về nội dung, trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm để việc kiểm tra chặt chẽ hơn
Ngoài ra, thông qua hoạt động chứng nhận, tổ chức chứng nhận không chỉ giúp người sản xuất nắm bắt thông tin về việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đáp ứng đúng các yêu cầu về quản lý nhà nước mà còn giúp doanh nghiệp củng cố thêm thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh và quảng bá cho sản phẩm. Đây là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là trong bối cảnh nhà nhà, người người đang hướng tới áp dụng VietGAP cho sản phẩm cây trồng của mình trong lựa chọn phân bón đúng chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn.
Có thể thấy, để cung cấp lòng tin cho người sử dụng rằng các yêu cầu đối với sản phẩm phân bón được sản xuất kinh doanh đáp ứng các yêu cầu của luật định, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay đã hướng tới việc sử dụng dịch vụ chứng nhận vì doanh nghiệp đã tìm được người đồng hành với mình về chất lượng sản phẩm, tổ chức chứng nhận – một đơn vị độc lập khách quan.