(ĐCSVN) - Việt Nam có nhiều loại rau quả có chất lượng cao, có tiềm năng xuất khẩu. Làm thế nào để nâng cao được chất lượng rau quả trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đang là vấn đề đặt ra.
Theo Viện cây ăn quả miền Nam, rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chất lượng trái cây chưa đồng nhất, chưa có thương hiệu mạnh. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của sản phẩm là một trong những yếu tố để tồn tại và mở rộng thị trường. Trong đó vấn đề chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người, từ nhà sản xuất, vận chuyển, phân phối, quản lý và nhà hoạch định chính sách cho đến người tiêu dùng. Việt Nam đã là thành viên của tổ chức WTO nên cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề cam kết áp dụng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Gia nhập WTO là thời cơ và cũng là thách thức cho nông sản Việt Nam nói chung và rau quả Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng rau quả, tiến tới tạo sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng GAP là điều cần thiết hiện nay.
Hiệu quả của áp dụng GAP
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vào những năm 2004 - 2005, người sản xuất và các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn EurepGAP - tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Châu Âu (nay là GlobalGAP) trên cây thanh long và Hợp tác xã Hàm Minh (Bình Thuận) đã đạt được chứng nhận này đầu tiên vào năm 2006.
|
Nhà vườn thu hoạch chôm chôm (Nguồn: baodongkhoi.com.vn) |
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất nông sản thực phẩm an toàn nói chung và rau, quả nói riêng phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, năm 2008 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành VietGAP - Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam. Hiện nay Việt Nam có khoảng 5.263 ha cây ăn quả đạt chứng nhận VietGAP và 151 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Sản xuất an toàn, thân thiện và bền vững với môi trường là xu thế phát triển tất yếu chung của toàn cầu. Chính vì vậy sản xuất trái cây theo VietGAP cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để tạo sự chuyển biến trong sản xuất, cải thiện chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhìn chung, thời gian qua kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam không ngừng được gia tăng. 3 năm trở lại đây, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh và khá vững chắc với tốc độ 30% mỗi năm. Cụ thể, năm 2010, Việt Nam xuất khẩu hàng rau quả là 460 triệu USD, chỉ tăng 4,9%, nhưng đến năm 2011 đạt 622 triệu USD, tăng 35%; năm 2012 đạt 827 triệu USD, tăng 33%. Tính đến hết ngày 15/12/2013, giá trị xuất khẩu hàng rau quả đã đạt hơn 1 tỷ USD, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất cao trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản khác đang suy giảm cả về số lượng cũng như giá bán. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, sản phẩm rau quả Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu và dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới trong năm 2014 sẽ tăng khoảng 5%.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, thì đây là một trong những đơn vị đi tiên phong về Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tại các tỉnh phía Nam và đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng các mô hình sản xuất rau, quả theo hướng VietGAP/GlobalGAP trong thời gian vừa qua. Để phổ biến những kiến thức về Thực hành nông nghiệp tốt đến các đối tượng là cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông, nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và các cơ sở sơ chế rau quả và doanh nghiệp, Viện đã biên soạn và xuất bản các ấn phẩm, tài liệu, đĩa CD có liên quan đến GAP như sổ tay sản xuất quả an toàn theo tiêu chuẩn GAP; cẩm nang sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn EurepGAP; tài liệu huấn luyện sản xuất quả an toàn - dành cho người huấn luyện; đĩa CD “Giới thiệu phương pháp sản xuất cây ăn quả theo GAP”;… Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Viện đã tổ chức trên 30 lớp tập huấn với chủ đề “Sản xuất cây ăn quả theo hướng GAP” cho hơn 1.000 học viên ở các tỉnh phía Nam từ năm 2006 đến nay. Nhờ đó, trong giai đoạn 2006 - 2013, Viện đã tư vấn xây dựng được 493,9 ha thanh long, xoài, chôm chôm đạt được chứng nhận EurepGAP/GlobalGAP. Mặt khác, sau khi tiêu chuẩn VietGAP ban hành từ năm 2008, Viện đã tư vấn cho các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ xây dựng hơn 257,38 ha rau, quả đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, như dứa Queen (Tiền Giang), xoài (Đồng Tháp, Đồng Nai), chôm chôm (Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre), thanh long (Long An, Tiền Giang), bưởi (Bến Tre), nhãn (Tiền Giang, Bến Tre), dưa hấu (Trà Vinh),…
Những bất cập cần sớm giải quyết
Tuy nhiên, khi thực hiện sản xuất cây ăn quả theo GAP vẫn còn những tồn tại, đó là chưa có logo chung cho VietGAP, dẫn đến giá bán sản phẩm không khác nhau, chất lượng sản phẩm không thể phân biệt. Quan điểm về chứng nhận VietGAP khác nhau dẫn đến việc triển khai chưa quyết liệt. Giá chứng nhận còn cao, Nhà nước cần có sự hỗ trợ để khuyến khích sản xuất, có thể kéo dài thời hạn chứng nhận tùy theo loại rau quả.
Khâu tiếp thị sản phẩm chưa tốt, mỗi đơn vị tự giới thiệu sản phẩm mà chưa có cơ quan nào lớn hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đặc sản. Cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản trái cây còn quá ít và yếu dẫn đến thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn. Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực rau quả còn ít và thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu; công nghệ chế biến còn lạc hậu so với các nước trong khu vực.
Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng cây giống kém chất lượng, hoặc không sạch bệnh được bán tràn lan, không kiểm soát được. Khung pháp lý cho các hợp đồng chưa đảm bảo (đúng giá, đúng số lượng, đúng chất lượng và đúng thời gian). Do giá cả bấp bênh và qui mô sản xuất nhỏ nên nông dân trồng hai, ba loại cây trên một mảnh vườn để mất giá loại này còn giá loại khác dẫn tới không phù hợp cho sản xuất mang tính hàng hoá do sản lượng nhỏ, chất lượng quả không đồng đều và ổn định.
Trình độ kỹ thuật về cây ăn quả của người sản xuất còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, tính cá thể còn cao. Sự liên kết giữa người sản xuất với nhau còn lỏng lẻo. Tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất về cây ăn quả còn ít về số lượng và mang tính hình thức, chưa gắn kết chặc chẽ với doanh nghiệp và chưa có mô hình hoạt động thật sự hiệu quả để làm mô hình mẫu. Diện tích đạt chứng nhận GAP còn khiêm tốn đã làm hạn chế việc xuất khẩu trái cây. Kết cấu hạ tầng nông thôn còn yếu, làm trở ngại cho việc mở rộng mô hình GAP, vận chuyển và phân phối sản phẩm. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, bất cập.
Một số giải pháp
Từ những bất cập trên, theo Viện Cây ăn quả miền Nam, cần sớm có logo chung cho VietGAP trên toàn quốc, quy định cụ thể việc sử dụng logo này thế nào để đảm bảo chất lượng, thương hiệu Việt. Sớm triển khai quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kèm theo các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Cần thống nhất quan điểm về chứng nhận VietGAP để chỉ đạo triển khai áp dụng VietGAP một cách quyết liệt và hiệu quả. Giao cho một cơ quan lớn hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đặc sản của Quốc gia, cùng với việc tổ chức ngày văn hóa Việt Nam ở các nước hàng năm nên lồng vào việc giới thiệu sản phẩm rau quả Việt Nam. Tăng cường hỗ trợ, phát triển hệ thống nhà đóng gói để tư nhân thực hiện một vài điểm ở đồng bằng sông Cửu Long - là nơi xuất khẩu trái cây lớn của cả nước nhưng chưa có nhà đóng gói.
Nên có chính sách đảm bảo khung pháp lý cho các hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân. Xây dựng mối liên kết giữa những người sản xuất thành các nhóm hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã có qui mô đủ lớn để thực hành VietGAP nhằm sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất, an toàn, sản lượng lớn. Đồng thời, xây dựng liên kết dọc từ các nhóm liên kết sản xuất đến cơ sở hoặc doanh nghiệp kinh doanh trái cây. Mối liên kết này phải dựa trên lợi ích thiết thực giữa hai bên.
Xây dựng hệ thống giao thông thuận tiện tới vùng sản xuất để thu mua và vận chuyển sản phẩm đạt yêu cầu. Thành lập bộ phận hỗ trợ viêc xuất khẩu rau quả để giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu rau, quả. Có chính sách cho phép các chủ hộ, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh cây ăn quả giỏi tích tụ thêm đất đai, mở rộng quy mô góp phần hình thành vùng cây ăn quả chuyên canh, vùng sản xuất cây ăn quả an toàn gắn với thương hiệu hàng hóa hoặc nhãn hàng.