Cần nâng cao hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ nông nghiệp

Thứ bảy, 29/03/2014 19:13
(ĐCSVN) - Thực tiễn cho thấy, khoa học công nghệ ngày càng tham gia tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đã có đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng cao và ổn định của ngành nông nghiệp trong suốt thời kỳ đổi mới.

Đóng góp của khoa học công nghệ nông nghiệp

Việt Nam từ nước nhập khẩu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 3 ước đạt 2,64 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành trong quí I lên 6,9 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,61 tỷ USD, tăng 35%. Có nhiều yếu tố tác động và đóng góp vào những thành tựu ấn tượng của nông nghiệp, trong đó vai trò của khoa học công nghệ ngày càng có vị trí quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào lượng hóa được kết quả đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng của nông nghiệp.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Vai trò của các yếu tố tác động vào tăng trưởng nông nghiệp thay đổi theo thời gian. Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, khi nền kinh tế khủng khoảng thì chính sách đã tạo ra động lực tức thì cho phát triển. Chỉ sau vài năm, Việt Nam đã chuyển từ nhập khẩu sang xuất khẩu gạo. Trong suốt những năm 90 của thế kỷ trước, với việc đầu tư cho các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển, ngọt hóa vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngăn mặn giữ ngọt ở Cà Mau, cũng như nâng cấp hệ thống tưới ở đồng bằng sông Hồng đã làm cho sản xuất lương thực, đặc biệt là lúa tăng đột biến với mức tăng trung bình gần 1 triệu tấn/năm trong suốt thời gian hàng chục năm. Cùng với chính sách và đầu tư, các tiến bộ kỹ thuật về giống đã góp phần làm tăng hiệu quả của đầu tư và đổi mới chính sách.

Có thể thấy, về giá trị tương đối, đóng góp của khoa học công nghệ ngày một tăng lên, trong khi đóng góp của chính sách và đầu tư thì giảm dần. Diện tích đất nông nghiệp không những không tăng mà còn đang giảm đi, hệ số sử dụng đất cao và có xu hướng tăng đã làm cho sức sản xuất tự nhiên của đất có xu hướng giảm. Đó là chưa kể thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó đóng góp quan trọng nhất là công tác cải tiến giống. Các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo và tuyển chọn được hàng trăm giống cây trồng nông nghiệp mới, như giống lúa, ngô, khoai lang, khoai tây, đậu tương, lạc và nhiều giống cây trồng khác. Thực tiễn cho thấy, những tiến bộ trong lĩnh vực giống đã làm tăng năng suất nhiều loại cây trồng. Ngoài giống lúa thuần, các giống lúa lai mới cũng đã được nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam hàng chục năm nay và cho năng suất bình quân cao hơn các giống lúa thuần ở vùng thâm canh khoảng 1 tấn/ha.

Điểm đáng chú ý, ở đồng bằng sông Hồng, nhờ chọn tạo được các giống lúa ngắn ngày thay thế các giống lúa dài ngày; áp dụng kỹ thuật mạ sân, mạ nền cho phép chuyển từ vụ lúa chiêm, xuân sớm sang xuân chính vụ và xuân muộn vừa bảo đảm năng suất, giảm thiệt hại do rét, đồng thời lại tạo tiền đề cho việc mở rộng diện tích cây vụ đông. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhờ đầu tư liên tục, hiệu quả cho các công trình thủy lợi bảo đảm tưới tiêu và cải tạo đất, kết hợp với sử dụng các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, năng suất cao cho phép chuyển từ sản xuất 1 vụ lúa/năm sang 2-3 vụ/năm. Tại vùng duyên hải Trung bộ, đã chuyển đổi thành công từ gieo cấy 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ/năm bằng các giống lúa trung ngày có tiềm năng năng suất cao hơn; bố trí 2 vụ lúa ở thời vụ thích hợp nhất để phát huy tối đa tiềm năng năng suất giống nên vẫn bảo đảm năng suất và sản lượng lương thực, tiết kiệm công lao động, chi phí, nước tưới, tránh lũ. Nhiều mô hình chuyển đổi từ thuần tuý nông nghiệp sang nông-lâm-thuỷ sản cũng rất hiệu quả.

Chương trình “3 giảm 3 tăng” trong thâm canh lúa đã được áp dụng rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long, cho phép giảm lượng lúa giống bình quân 80 kg/ha (khoảng 40-50%); giảm lượng đạm đầu tư 13 kg nguyên chất/ha; giảm 1-2 lần phun thuốc trừ sâu, bệnh và năng suất tăng 80-150 kg thóc/ha. Giá thành 1kg thóc sản xuất theo tiến bộ kỹ thuật này đã giảm hơn so với sản xuất thông thường khoảng 10%. Ngoài hiệu quả kinh tế, tiến bộ kỹ thuật này còn làm giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu nên có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm các sản phẩm nông nghiệp đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản xuất nông nghiệp không chỉ tăng về số lượng mà còn có cải tiến đáng kể về chất lượng, làm cho năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam được nâng lên đáng kể. Chênh lệch về giá xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước được thu hẹp. Đơn cử giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian đầu những năm 90 của thế kỷ trước thấp hơn giá gạo Thái Lan trên 50USD/tấn, thì ngày nay chênh lệch giá là không đáng kể với cùng chủng loại, có thời điểm giá bán gạo Việt Nam đã ngang bằng với gạo Thái Lan. Tuy việc vượt Thái Lan về sản xuất gạo chất lượng là rất khó, nhưng gạo Việt Nam lại hơn hẳn Thái Lan về tính hiệu quả trên một đơn vị sản phẩm.

Có thể thấy, thời gian qua, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng hoặc ổn định chủ yếu nhờ tăng năng suất trong khi diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa lại giảm, nhất là những năm gần đây. Việc ứng dụng các giống mới, kỹ thuật tiên tiến và khả năng tưới tiêu chủ động đã đóng góp không nhỏ vào tăng năng suất. Tất nhiên, sự cần cù và sáng tạo của người nông dân cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước liên tục được đổi mới luôn là những yếu tố có vai trò to lớn.

Và vấn đề đặt ra

Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực đang đứng trước nhiều thách thức hết sức to lớn, đòi hỏi khoa học công nghệ cần có những điều chỉnh về chiến lược nghiên cứu để phù hợp với bối cảnh và thách thức mới cũng như tận dụng các cơ hội. Về thuận lợi, Đảng và Nhà nước ta đã và đang coi khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng; coi đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đầu tư cho nghiên cứu năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp Phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư với mức 3 triệu USD/phòng và hàng năm khoảng 200 tỉ đồng được đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu (không kể lương). Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu cũng được đầu tư, nâng cấp hạ tầng với mức kinh phí 30-40 tỉ đồng/đơn vị. Đây là tiền đề và điều kiện để các nhà khoa học có thể phát huy tốt hơn năng lực nghiên cứu. Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia sâu sắc và toàn diện vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường, công nghệ, giúp có thể đi tắt đón đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ mới. Quá trình hội nhập cũng tạo ra tiền đề bắt buộc để nông dân, người sản xuất đầu tư nhiều hơn cho quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, nông nghiệp nói chung và khoa học công nghệ nông nghiệp nói riêng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Trước hết, nông nghiệp là một lĩnh vực đầu tư có tính rủi ro cao, do vậy đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu vẫn là đầu tư từ ngân sách nhà nước. Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất khiêm tốn và có xu hướng ngày càng giảm. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có các giải pháp giảm thiểu và đặc biệt là thích ứng. Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng, đất nông nghiệp mà chủ yếu là đất trồng lúa sẽ bị mất khoảng 11%, và 7% dân số sẽ bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu có lẽ cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra thiên tai và dịch bệnh. Tại đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây đã liên tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, làm tổn thất hàng triệu tấn thóc.

Mất đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa đang là thách thức to lớn và lâu dài do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Ở nhiều khu công nghiệp, đất mất hoặc chịu ảnh hưởng sẽ cao hơn nhiều lần diện tích thực chiếm do bị ảnh hưởng về môi trường, do tích tụ dân cư và các hoạt động dịch vụ khác. Nông dân quanh các khu công nghiệp cũng không thiết tha làm nông nghiệp khi so sánh về hiệu quả. Ngoài ra, mất đất lúa còn mất theo luôn cả hệ thống thuỷ lợi đã đầu tư. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với suất đầu tư thuỷ lợi tại vùng đồng bằng khoảng 100 triệu đồng/ha thì trung bình mỗi năm cũng đã làm mất đi khoảng trên 5.000 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều ngân sách hàng năm đang đầu tư cho cải tạo, đầu tư và nâng cấp công trình thuỷ lợi. Do vậy việc kiên quyết giữ lại quĩ đất lúa hiện có là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài suy giảm diện tích, phần lớn đất đai đã bị thoái hoá ở mức độ khác nhau. 75% diện tích bị ảnh hưởng bởi xói mòn, hàng triệu ha đang chịu ảnh hưởng của quá trình hoang mạc hoá và sa mạc hoá. Ngoài ảnh hưởng của thiên nhiên, hàng năm chúng ta còn bị xâm hại bởi nhiều cây trồng, loài sinh vật ngoại lai xâm hại đe dọa tới an toàn sinh học như ốc bươu vàng, cây mai dương,... Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Hàng năm Việt Nam sử dụng hàng triệu tấn phân bón qui chuẩn, hàng trăm ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật song, lại không được quản lý chặt chẽ. Điều này đã làm cho môi trường bị ô nhiễm và chất lượng sản phẩm bị suy giảm.

Chính sách khoa học công nghệ trong nông nghiệp chưa thật sự khuyến khích các nhà khoa học tâm huyết. Nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở các nước luôn được nhà nước quan tâm và đầu tư như một hoạt động dịch vụ công do kết quả nghiên cứu nông nghiệp dễ bị mất và dễ bị sao chép. Hơn nữa, sản xuất qui mô nhỏ cũng không tạo ra động lực ứng dụng kỹ thuật mới nên người nông dân không hăng hái tham gia thị trường công nghệ. Một số chính sách ban hành song lại không đồng bộ, chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý đi kèm, có nội dung còn bị qui định bởi các văn bản qui phạm pháp luật cao hơn nên rất khó trong triển khai, gây ra những xáo động trong đội ngũ các nhà khoa học.

Hiện tượng chảy máu chất xám đang xảy ra ở hầu hết các đơn vị nghiên cứu, nhất là tại các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Với mức lương cao và chế độ làm việc thuận lợi, các công ty nước ngoài đang thực sự hấp dẫn các nhà khoa học trẻ. Không vội trách họ không tâm huyết, nhưng bởi chính sách cán bộ, đặc biệt trong qui trình bổ nhiệm, giao việc chưa hợp lý, theo kiểu “sống lâu lên lão làng”... đã làm thui chột đi nhiệt huyết của nhiều nhà khoa học trẻ.

Khoa học và công nghệ nông nghiệp đang đứng trước những thách thức song cũng đang có cơ hội to lớn. Đầu tư cho khoa học sẽ mang lại hiệu quả cao nhất và nhanh nhất. Mọi nỗ lực, các chính sách đều hướng vào xây dựng nền khoa học công nghệ nông nghiệp Việt Nam tiên tiến, đủ khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học công nghệ hiện đại của nước ngoài; tạo ra ngày càng nhiều tiến bộ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực