Cần tăng cường sản xuất ngành điều chất lượng cao

Thứ hai, 09/06/2014 18:30

(ĐCSVN) – Cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, điều đang là một trong những nông sản Việt được ưa chuộng trên thị trường khu vực và thế giới, có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao về lượng. Tuy nhiên, để thu được lợi nhuận lớn hơn, đã đến lúc phải tăng cường sản xuất ngành điều chất lượng cao.

Theo các chuyên gia, việc mở rộng thị trường xuất khẩu điều nhân của Việt Nam sắp tới sẽ đối mặt với không ít trở ngại do vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở nhiều thị trường. Nếu không chú trọng nâng cao chất lượng cũng như đầu tư nâng cao năng lực cho các sản phẩm điều chế biến thì đầu ra hạt điều Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực.

Thực tế cho thấy, trong năm 2012-2013, ngành điều Việt Nam đã làm rất tốt việc nâng cao chất lượng nhưng cũng cần tiếp tục cải thiện hơn nữa trong thời gian tới. Bởi với sự toàn cầu hóa hiện nay, việc chuyển từ sản xuất đại trà sản phẩm cấp thấp sang sản xuất chất lượng cao sẽ giúp cho ngành điều Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào những thị trường khó tính và đem lại lợi nhuận lớn hơn. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì việc xuất khẩu nhân điều chỉ qua sơ chế như thời gian qua thì ngành điều Việt Nam sẽ dậm chân tại chỗ như những ngành hàng nông sản khác đã và đang gặp phải bởi chưa chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

 

 Phải tập trung sản xuất điều chất lượng cao (Ảnh minh họa: Bộ NN&PTNT)

Thực trạng trên cũng cho thấy, ngành điều đang rất cần sự giúp sức từ các Bộ ngành liên quan để xây dựng một chiến lược phát triển mang tính bền vững hơn trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, thị trường tiêu thụ điều nhân và các sản phẩm chế biến từ điều của thế giới hiện nay vào khoảng 3 tỷ người và điều đặc biệt là xu hướng sử dụng hạt điều trong giới trẻ ngày càng được quan tâm. Do vậy, cơ hội để mở rộng thị trường cho hạt điều được chế biến từ Việt Nam là rất lớn. Song để tranh thủ được cơ hội ấy các doanh nghiệp điều Việt Nam cần đi vào đầu tư cho chế biến sâu nhiều hơn.

Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, năm 2013, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam xuất khẩu được hơn 261.000 tấn điều nhân, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD (tăng gần 18% về lượng và xấp xỉ 12% kim ngạch so với năm 2012). Đây là năm thứ 8 liên tiếp ngành điều Việt Nam vượt qua Ấn Độ để giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân. Kết quả xuất khẩu điều trong năm 2013 cho thấy cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, sức mua trên thị trường thế giới giảm. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân năm 2013 đạt 6.252 USD/tấn, giảm 5,82% so với năm 2012. Các thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam năm 2013 vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan. Năm 2014, Hiệp hội Điều Việt Nam xác định ngành điều khuyến khích các nhà máy đi vào chế biến sâu và đưa giá trị xuất khẩu lên khoảng 2 tỷ USD. Số liệu của Tổng cục thống kê chỉ rõ, trong 5 tháng 2014 này, ngành điều liên tiếp có sự tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị, tăng tương ứng 10,8% và 11,5% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 5 ước đạt 23.000 tấn với giá trị đạt 151 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2014 đạt 98.000 tấn với 618 triệu USD.

Phân tích về triển vọng của ngành điều, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay, Nhà nước đang có nhiều chính sách đối với cây điều, nhưng tiến độ thực hiện khá chậm. Trong đó chỉ có công tác khuyến nông được thực hiện mạnh và mang lại hiệu quả đối với người trồng điều. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện phát triển ngành điều bền vững, sản xuất theo hướng hiện đại với mục tiêu đến năm 2020, đưa diện tích điều cả nước đạt khoảng 350 nghìn ha, năng suất bình quân trên 15 tạ hạt/ha.

Cũng theo Trung Tâm khuyến nông quốc gia, các giải pháp sẽ được áp dụng đối với ngành điều trong thời gian tới bao gồm: Quy hoạch vùng trồng điều; đẩy mạnh thâm canh đồng bộ trên cùng diện tích, tái canh diện tích điều già cỗi, sâu bệnh…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực