(ĐCSVN) - Những năm gần đây, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thuỷ hải sản đã có bước phát triển mới. Nhờ đó, sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tuy vậy, việc nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ cho nuôi trồng thuỷ sản cũng còn những bất cập.
Tốc độ tăng trưởng nhanh
Nhờ không ngừng ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, ngành thuỷ sản luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2014, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,7798 triệu tấn, tăng 4,8%, trong đó cá đạt 2,0077 triệu tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 503,7 nghìn tấn, tăng tới 17,1%...
Thực tiễn cho thấy, những kết quả nghiên cứu về giống đã làm cho nhiều loài thuỷ sản có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi trồng ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhờ đó, tỷ trọng đóng góp của nuôi trồng thuỷ sản vào giá trị xuất khẩu thuỷ sản ngày càng tăng.
|
Nuôi tôm hùm ở Khánh Hoà (Ảnh: Đ.H) |
Nhiều đề tài nghiên cứu đã tạo ra công nghệ sản xuất cho nhiều đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, bảo đảm cung cấp giống cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, như tôm sú, tôm càng xanh, tôm rảo, cá hồi, nhuyễn thể,…
Công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển như cá giò, cá song, cá chẽm cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng ở nhiều địa phương. Thành công trong việc giữ giống, di giống, thuần hoá, chọn và lai tạo giống mới đã mở ra khả năng hoàn thiện và phát triển nhiều vùng cá nuôi phù hợp với yêu cầu môi trường sinh thái các vùng trong khắp cả nước. Nhờ đó, đóng góp của nuôi trồng thuỷ sản vào giá trị sản xuất ngành thuỷ sản ngày càng tăng.
Việc áp dụng các thành quả khoa học - công nghệ từ khâu con giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và quy trình kỹ thuật nuôi trồng nên chất lượng sản phẩm sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản không ngừng tăng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu khó tính. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu thuỷ sản ngày càng được mở rộng, giá trị xuất khẩu ngày càng tăng nhanh. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2014, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,65 tỷ USD, tăng tới 21,6%.
Bên cạnh những thành công trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ về giống, nhiều đề tài nghiên cứu về bệnh tôm cho tôm nuôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đưa ra phương pháp chẩn đoán nhanh và biện pháp phòng trừ bệnh tôm do vi sinh, vi rút gây ra.
Vấn đề đặt ra
Tuy có những đóng góp tích cực, nhưng việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thuỷ sản cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề cần nhanh chóng giải quyết. Cơ cấu nuôi trồng thuỷ sản tuy có nhiều thay đổi tích cực, nhưng nhìn chung chưa thực sự đáp ứng với nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài và chưa mang lại hiệu quả kinh tế như tiềm năng. Trong cơ cấu xuất khẩu, tôm là mặt hàng có giá trị cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, nuôi tôm lại đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, lại hay bị nhiễm bệnh, độ rủi ro cao. Những năm vừa qua, nhiều diện tích tôm bị nhiễm bệnh, nhưng việc chữa trị nhìn chung chưa đáp ứng được.
Kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu vẫn theo hình thức quảng canh, các hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh chưa cao, nên dẫn tới những hạn chế khá lớn trong việc chăm sóc thuỷ sản và xử lý dịch bệnh. Từ đó, hạn chế năng suất và chất lượng của sản phẩm thuỷ sản, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của nuôi trồng thuỷ sản.
Việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở nhiều nơi đã gây ra ô nhiễm môi trường, đe doạ đến phát triển bền vững của địa phương. Do quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản vẫn còn những bất cập nhất định, tình trạng nuôi trồng thuỷ sản vẫn còn tình trạng tự phát ở nhiều nơi, trong khi quy hoạch thuỷ lợi, hạ tầng thuỷ lợi còn nhiều yếu kém, nên khi phát triển nuôi trồng thuỷ sản, môi trường đất, môi trường nước bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
Và một số giải pháp
Để tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thuỷ sản, cần đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu cơ bản về tài nguyên nước, khí hậu của của các vùng để hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản theo hướng phát triển bền vững. Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản cần đặt trong quy hoạch chung của cả vùng, miền và cần bảo đảm cân bằng các lợi ích, hiệu quả về kinh tế, an toàn về môi trường và ổn định về xã hội. Vì vậy, ngoài việc phân tích về điều kiện tự nhiên phù hợp với nuôi trồng thuỷ sản, cần gắn với quy hoạch thuỷ lợi và hệ thống đê điều chung của từng địa phương.
Tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học theo một quy trình khép kín, từ khâu giống, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh cho đến chất bảo quản để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến ngư; tiếp tục kiện toàn và đổi mới hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến ngư. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình thích hợp để chuyển giao công nghệ nuôi trồng thuỷ sản cho nông dân. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, phát hành những ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản rộng rãi hơn nữa cho nông dân.
Đổi mới tổ chức sản xuất nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hiện đại, bền vững để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh ứng dụng những mô hình nuôi theo hướng hữu cơ, mô hình luân canh, xen canh và phát triển nuôi trồng thuỷ sản thân thiện môi trường. Tăng cường hơn nữa cách tiếp cận đa lĩnh vực để giải quyết những vấn đề sản xuất đặt ra với quy mô lớn, xuyên suốt các hoạt động từ sản xuất, công nghệ nuôi, thức ăn, an toàn sản phẩm nuôi. Tiếp tục có các chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút vốn, nguồn lực khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thuỷ sản…