Cao Bằng: Chủ trọng tới sản xuất các loại giống phục vụ phát triển chăn nuôi

Thứ năm, 10/10/2013 18:27

 

Hiện, tỉnh Cao Bằng có 13 cơ sở TTNT lợn (Ảnh minh họa: HNV)

(ĐCSVN) – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Bằng cho biết, thời gian qua, việc quan tâm tới nguồn giống và chất lượng giống phục vụ phát triển chăn nuôi được đẩy mạnh.

Theo đó, về giống lợn, hiện, Cao Bằng có một cơ sở nuôi giữ, sản xuất lợn giống Móng Cái thuần 273 nái sinh sản, 03 đực giống sản xuất, thuộc Công ty cổ phần Giống và thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm cung ứng cho thị trường giống của tỉnh hơn 1500 lợn cái hậu bị Móng cái, theo Hợp đồng đặt hàng của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Năm 2012 đã cung ứng được 1.548 lợn cái hậu bị đủ tiêu chuẩn.

Toàn tỉnh có 13 cơ sở dịch vụ thụ tinh nhân tạo (TTNT) lợn với khoảng 60 đực giống ngoại đã kiểm tra năng suất. Trong đó, có 12 cơ sở tư nhân và 01 cơ sở của Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi; Các cơ sở này cung ứng khoảng 160 liều tinh/ngày, đáp ứng cơ bản nhu cầu tinh lợn ngoại cho sản xuất lợn lai F1 tại các huyện Hòa An, vùng thấp Hà Quảng, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An và Thành phố Cao Bằng. Các huyện xa, chưa có dịch vụ TTNT, con giống lai thường được các tư thương cung ứng từ các địa phương khác, chủ yếu từ các tỉnh miền xuôi.

Tại các thôn bản vùng sâu đi lại khó khăn vẫn duy trì và phát triển các giống lợn bản địa (người Cao Bằng gọi chung là lợn đen) như giống lợn Hạ Lang, lợn Tắp Ná, lợn Đông Khê (Thất Khê), lợn tạp, công tác giống chưa được triển khai tình trạng lợn con nháy lợn mẹ còn khá phổ biến.

Đối với giống trâu bò, chủ yếu là tự cung tự cấp tại chỗ, một phần nhỏ bò giống được nhập từ miền xuôi thông qua các chương trình, dự án. Trong đó, giống bò vàng địa phương tầm vóc nhỏ, mắn đẻ, chịu kham khổ được nuôi nhiều nhất; ở vùng rẻo cao có giống bò H'Mông tầm vóc khá lớn, thích nghi tốt, giỏi cày kéo được người Mông và các dân tộc anh em nuôi khá phổ biến.

Ngoài ra, có nhóm bò lai từ TTNT bằng tinh cọng rạ Brahman trên nền bò cái địa phương và một số ít bò lai Sind được mua nhập từ nơi khác từ kinh phí của các chương trình, dự án.

Một trong những mục tiêu lớn của Dự án Phát triển đàn bò là hỗ trợ xây dựng vùng giống bò Mông trong dân tại huyện Bảo Lâm. Tuy nhiên, hiện nay, dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc công nhận, nuôi giữ đàn giống sau bình tuyển, do người dân chưa có nhận thức thấu đáo về giá trị giống và chính sách hỗ trợ vùng giống trâu bò của tỉnh chưa đủ sức lôi cuốn người dân tham gia nuôi giữ giống.

Về giống gia cầm trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là gà và vịt, được nuôi phổ biến ở hầu hết các nông hộ với quy mô nhỏ lẻ. Ngan, ngỗng được nuôi ở một số nơi nhưng số lượng không đáng kể. Con giống gia cầm chủ yếu là tự cung tự cấp từ các giống gà vịt bản địa, các vùng ven thị có nhập nuôi các loại gà vịt con thương phẩm từ các nguồn ngoài tỉnh, trong đó có gà vịt con từ Trung Quốc nhập lậu qua các lối mở biên giới, rất khó kiểm soát.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cùng sự hỗ trợ của các Trung tâm trực thuộc Viện Chăn nuôi, tháng 8/2010, Công ty Cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi Cao Bằng đã đưa vào sử dụng trạm ấp trứng gia cầm tại xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng. Những lô gà vịt con đầu tiên ấp nở tại Cao Bằng đã được người nông dân tiêu thụ ngay khi ra lò và hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu của sản xuất/./

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực