(ĐCSVN) – Các tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề nuôi tôm hùm – đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao. Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, hiện nay, việc nuôi tôm hùm phát triển đã từng bước làm giàu đời sống bà con ngư dân nơi đây.
Tôm hùm là một đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao và hiện đang được phát triển nuôi nhiều tại tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, từ Bình Định đến Bình Thuận với khoảng 42.000 lồng...
Duyên hải miền Trung trong phát triển nuôi tôm hùm
|
Tôm hùm mang lại giá trị kinh tế cao (Ảnh: Thảo Lê) |
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm hùm nuôi trung bình hàng năm đạt gần 1.385 tấn, chủ yếu là loài tôm hùm bông và tôm hùm xanh, đã đem lại nguồn thu trên 3.500 tỷ đồng/năm. Tôm hùm phân bố từ Quảng Bình tới Bình Thuận nhưng tập trung ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Theo thống kê, các tỉnh hiện có khoảng 8.000-10.000 hộ nuôi tôm hùm, với sản lượng tôm hùm nuôi trung bình hàng năm đạt gần 1.385 tấn, đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Nghề nuôi tôm hùm phát triển nhất ở tỉnh Phú Yên. Theo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Phú Yên, là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, bờ biển dài gần 200 km, khúc khuỷu, nhiều dãy núi ăn lan ra sát biển hình thành các eo, vịnh, đầm phá, Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Trong đó, Sông Cầu có bờ biển dài 80km, với hai lợi thế là Vịnh Xuân Đài và Đầm Cù Mông. Trong những năm gần đây, nhờ hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm hùm nên đời sống người dân Sông Cầu dần được cải thiện đáng kể. Năm 2011, số lượng lồng nuôi trên 29.000 lồng, sản lượng thu hoạch đạt 510 tấn, giá trị đạt 510 tỷ đồng (giá tôm hùm bình quân 1 triệu đồng/kg). Năm 2012 số lượng lồng nuôi trên 24.300 lồng, sản lượng thu hoạch đạt 660 tấn, giá trị đạt 660 tỷ đồng (giá tôm hùm bình quân 1 triệu đồng/kg). Năm 2013 số lượng lồng nuôi gần 22.600 lồng, sản lượng thu hoạch đạt 622 tấn, giá trị đạt 995,2 tỷ đồng (giá tôm hùm bình quân 1,6 triệu đồng/kg).
Ngư dân Trần Quang Viên, Tổ quản lý cộng đồng nuôi thủy sản, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, gia đình ông đã nuôi tôm hùm được hơn 11 năm. Từ năm 2010, bình quân lợi nhuận ròng/năm là 150 triệu đồng. Trong khi đó, ngư dân Phan Văn Tỏ, xã Xuân Thành, TX. Sông Cầu (Phú Yên) chia sẻ, ông bắt đầu nuôi tôm hùm từ năm 2002, với vốn ban đầu ít, cộng với kiến thức hiểu biết về nghề nuôi tôm hùm còn hạn chế nên việc nuôi tôm hùm gặp nhiều khó khăn: tôm chậm lớn, tôm hay bị bệnh... Qua quá trình nuôi tích lũy vốn, học tập kinh nghiệm từ các hộ nuôi khác, tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm hùm từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3- Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tổ chức, đến nay, ông đã có một bè nuôi tôm hùm với quy mô 50 ô nuôi. Với quy mô ô lồng như trên, hàng năm thu lãi từ nghề nuôi tôm hùm đạt 200-300 triệu đồng. Điển hình hơn cả là hộ ngư dân Nguyễn Văn Quang ở xã Xuân Thịnh, TX. Sông Cầu (Phú Yên) bắt đầu nuôi tôm hùm từ năm 2009. Hiện tại, ông đang có 160 lồng nuôi, bao gồm 120 lồng nuôi thương phẩm, kích cỡ tôm đạt 500-600 g/con và 40 lồng ươm tôm giống. Thu nhập bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Từ thực tế trên, có thể thấy, tại địa bàn các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, nghề nuôi tôm hùm phát triển đã góp phần khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế về tự nhiên, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn lao động tại các địa phương, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Cần đồng bộ về quản lý nhà nước và kỹ thuật
Hiệu quả kinh tế là vậy nhưng thời gian qua, hoạt động sản xuất tôm hùm cũng bộc lộ một số khó khăn và bất cập. Đó là nghề nuôi tôm hùm chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi, bên cạnh các khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì mật độ lồng nuôi tôm ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch nuôi. Hơn nữa, ngành thủy sản chưa thể sản xuất giống nhân tạo, con giống chỉ dựa vào khai thác từ tự nhiên. Đồng thời, công nghệ nuôi tôm hùm lồng vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ. Không những vậy, thức ăn tươi sống chủ yếu là cá tạp, cua sò nhỏ... là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên và chưa được kiểm soát. Công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm còn có những hạn chế.
Bởi thế, các chuyên gia và nhiều nhà quản lý cho rằng, cần huy động vốn và mở rộng thị trường cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ tôm hùm bằng cách cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chính sách huy động vốn phù hợp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nuôi tôm hùm quy mô hàng hoá, tạo nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án hạ tầng khu nuôi tôm hùm tập trung.
Trong khi đó, bằng kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp và ngư dân đề xuất, cần tăng nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn phù hợp với quy trình nuôi tôm hùm, thời gian vay vốn ít nhất là 3 năm, số lượng vốn vay cần phải đủ lớn cho nhu cầu đầu tư của người dân. Thủ tục vay vốn cần được đơn giản hơn, giảm bớt phiền hà cho người vay. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển về thị trường bằng cách tổ chức xây dựng mạng lưới bảo quản và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm dưới dạng tươi sống. Các kênh tiêu thụ chủ yếu là các thành phố lớn và các khu vực lân cận. Nhà nước hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản nhằm giúp cho người dân yên tâm phát triển nuôi. Tập trung xây dựng thương hiệu con tôm hùm cho các tỉnh duyên hải miền Trung.
Về phía Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để nghề nuôi tôm hùm phát triển ngày càng bền vững, đơn vị cũng lưu ý cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả hai nhóm giải pháp về quản lý nhà nước và kỹ thuật.
Theo đó, với nhóm giải pháp về quản lý nhà nước, thời gian tới, nghề nuôi tôm hùm phải phát triển theo hướng ngày càng hiện đại hóa và bền vững. Trên cơ sở đó, phải tổ chức lại nghề nuôi tôm hùm, trong đó tăng cường khả năng liên kết giữa ngư dân, các doanh nghiệp chế biến, sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Để phát triển có hiệu quả, bền vững, phải tiến đến thành lập Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ tôm hùm tại các vùng Nam Trung bộ. Song song đó, các địa phương cần tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết về nuôi tôm hùm. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết, các địa phương giao cho người dân mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng như nuôi tôm hùm theo đúng quy định của pháp luật và đồng thời quy định những điều kiện nuôi, quy định nuôi, hướng đến nghề nuôi tôm có điều kiện. Tiến hành rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm quản lý Nhà nước về nuôi nuôi trồng thủy sản nói chung và tôm hùm nói riêng; Tích cực tổ chức điều tra nguồn lợi thủy sản và các biện pháp bảo vệ nguồn lực thủy sản, trong đó có nguồn lợi tôm hùm, giống; Xây dựng mô hình đồng quản lý trong khai thác giống tôm hùm, các phương pháp khai thác có hiệu quả nhất, quy định mùa vụ khai thác; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, cần tăng cường biện pháp chế biến, tiêu thụ và tổ chức thương mại đối với tôm hùm. Thủy sản cũng phải hướng đến cách tiếp cận là sản xuất ra những sản phẩm để cung cấp cho khách du lịch và tôm hùm cũng là một trong những sản phẩm tiềm năng này.
Về nhóm giải pháp kỹ thuật, tiếp tục nghiên cứu và chọn giống nhân tạo trong nước, sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm, làm tốt công tác quan trắc quản lý môi trường và phòng chống dịch bệnh, sớm nghiên cứu sớm áp dụng công tác kỹ thuật nuôi về ô, lồng để nuôi tôm hùm.
Tin tưởng và hy vọng rằng, với sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, khoa học và cách làm sáng tạo của bà con ngư dân, hoạt động sản xuất tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung ngày càng phát triển và mở rộng, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân nói riêng, ngành thủy sản nói chung.