(ĐCSVN) – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang hiện hữu và ngày càng tác động lớn đến tự nhiên và xã hội. Phát triển rừng bền vững, thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH được coi là giải pháp lâu dài và hiệu quả trong quá trình hiện nay.
Đây cũng chính là một trong nhiều nội dung được đặt ra tại Diễn đàn khuyến nông "Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu" tại thành phố Đà Lạ, Lâm Đồng. Diễn đàn do Trung tâm khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 18/7, thu hút hơn 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp và hộ gia đình trực tiếp quản lý bảo vệ rừng ở năm tỉnh Tây Nguyên tham dự.
|
TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hoa Trà) |
BĐKH trở thành một mối lo ngại của nhân loại toàn cầu. Nỗ lực giảm thiểu tác động của BĐKH là vấn đề ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm trong ngoại trừ trong số đó. Thực hiện nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Kế hoạch hành động chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính vì thế, thông qua Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau tiếp cận với những thông tin về BĐKH và tác động của nó đến sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; dự án phát triển lâm nghiệp góp phần phát triển bền vững xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kinh nghiệm từ chương trình giảm phát thải khí nhà kính (UN-REDD Việt Nam) tại Lâm Đồng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, chia sẻ một số giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu như cần tăng cường công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng một cách bền vững; thực hiện tốt công tác giao, cho thuê rừng và đất rừng để tất cả diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý... Đồng thời, cùng chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rừng bền vững và ứng phó với BĐKH trong ngành lâm nghiệp; Đánh giá tác động của dự án trồng rừng quy mô nhỏ theo cơ chế phát triển sạch phục vụ hấp thụ khí nhà kính; Đánh giá hiệu quả về các hoạt động phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên - Một số giải pháp…
Phát biểu tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG cho biết Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Vì vậy, việc phát triển lâm nghiệp cũng là một yếu tố của phát triển bền vững. Lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xóa đói giảm nghèo.
Theo báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2010 đã có gần 1,25 triệu hộ gia đình (tương đương gần 5 triệu lao động) tham gia dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó có gần 485.000 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao có việc làm. Riêng với Lâm Đồng, tính đến nay, diện tích đất rừng giao khoán là trên 376.000ha (chiếm 63% diện tích rừng của toàn tỉnh). Việc giao khoán rừng đã cải thiện sinh kế cho hơn 17.000 hộ gia đình đồng bào dân tộc sống gần rừng. Việc giao khoán rừng cũng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng của người dân và cộng đồng đồng thời gắn giảm nghèo với bảo vệ môi trường.
|
Mở rộng diện tích rừng ngập mặn, ngăn chặn xâm lấn biển cũng là giải pháp hiệu quả ứng phó với BĐKH. (Ảnh: HNV) |
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ, các hoạt động phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH đã được tỉnh triển khai khá sớm với các nội dung chính là: Rà soát và lập quy hoạch sử dụng đất rừng phù hợp với bối cảnh mới (điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng quy hoạch - kế hoạch bảo vệ - phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, rà soát lại quy hoạch phát triển cao su); Tiếp tục triển khai hoạt động khoán quản lý bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Triển khai các hoạt động lâm nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng; Tiếp cận và sẵn sàng thực hiện cơ chế REDD+, thực hiện các hoạt động lồng ghép REDD+ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ - phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu… Các hoạt động và kết quả của các hoạt động này tại Lâm Đồng đã được diễn đàn đánh giá tích cực và có khả năng nhân rộng cao…
Tổng kết diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh: trong công tác phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cần tăng công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân ở địa phương. Cần chỉ rõ suy thoái rừng, những tác động làm xâm hại rừng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân sở tại. Phát triển rừng bền vững không những tạo công ăn việc làm cho người nông dân mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống, cũng như an ninh xã hội tại địa phương.
Cũng theo TS Thông, để người dân hưởng ứng và tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững phục vụ chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cần lưu ý một số giải pháp cụ thể:
Nhóm giải pháp về chính sách: Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và xây dựng quy hoạch về phát triển rừng từ đó phân loại và giao đất, giao rừng đúng mục đích sử dụng, có chính sách, chế tài hợp lý thúc đẩy người trồng rừng bảo về và phát triển rừng bền vững; Chú trọng các giải pháp kỹ thuật như chất lượng giống, quy trình kỹ thuật, các biện pháp lâm sinh, bảo vệ…
Nhóm giải pháp tổ chức: Tổ chức lại bộ máy, tái cơ cấu các sản phẩm từ rừng hướng tới đa mục đích sử dụng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà hướng tới xuất khẩu. Xây dựng đồng bộ các giải pháp quản lý từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Gắn kết các tổ chức, hội đoàn thể chung tay trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; Nguồn lực đầu tư phát triển rừng phải huy động từ nhiều nguồn như ngân sách trung ương, địa phương, vay vốn, thu từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, huy động nguồn lực từ người dân.