(ĐCSVN) - Trong điều kiện hội nhập quốc tế, quốc gia nào cũng muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm quỹ đất, giải quyết những vấn đề về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu.... Với lợi thế là một quốc gia có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực đi theo xu hướng này.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: K.D) |
Hướng đi tất yếu
Tuy chưa có khái niệm thống nhất về nông nghiệp công nghệ cao nhưng về cơ bản, theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới, nông nghiệp Việt Nam vẫn thể hiện vai trò “trụ đỡ” đối với nền kinh tế.
Dù Việt Nam đã quan tâm và bước đầu nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và đạt được những kết quả ứng dụng trong sản xuất giúp năng suất cây trồng vật nuôi tăng lên đáng kể góp phần giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo một cách hiệu quả; nhưng con số thống kê của một số năm gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần, năm sau thấp hơn năm trước. Một trong những nguyên nhân cơ bản là tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua mới chú trọng phát triển theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất (lao động, vốn, vật tư) và đất đai, chưa thực sự chú trọng phát triển theo chiều sâu. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng do hình thức sản xuất vẫn chưa theo kịp với đà phát triển, quy mô sản xuất còn nhỏ, hình thức tổ chức chưa phù hợp, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn hạn hẹp và thị trường đầu ra cho nông sản chưa ổn định, giá nông sản lên xuống thất thường, hiệu quả sản xuất chưa cao...
Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng, đang hoạt động và được quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố.
Nhưng các hoạt động này còn nhiều hạn chế, những điểm yếu chủ yếu có thể tổng kết cơ bản như sau: Đầu tư chưa đồng bộ, khả năng tài chính chưa đủ mạnh, cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp còn thiếu hấp dẫn; Sản xuất còn tự phát, nhỏ lẻ từ khâu lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi, giải pháp kỹ thuật, thị trường bán sản phẩm...; Năng lực quản lý, marketing, nghiên cứu và dự báo thị trường còn thấp, việc quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chưa được chú trọng; Phương thức kinh doanh nông sản lạc hậu; Chưa quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà băng (ngân hàng) với Nhà nông; Chưa thực sự áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hoặc lựa chọn công nghệ chưa phù hợp dẫn đến sản xuất chưa hiệu quả, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến còn yếu; Công tác tuyên truyền và cung cấp đầy đủ thông tin cho nông dân qua đài, báo, truyền hình, mạng lưới khuyến nông... chưa hiệu quả.
Một số giải pháp được đặt ra
Theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu cuối cùng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư công lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp với việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ để đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất và sản lượng cao, hiệu quả và chất lượng cao; đồng thời, cần thực hiện tốt nhất việc phối hợp giữa con người và tài nguyên, để tận dụng hiệu quả lớn nhất ưu thế của nguồn tài nguyên, hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi trường.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Lienvietbank trong một hội nghị liên quan đến nông nghiệp đã nhận định, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô là lời giải cho bài toán của nông nghiệp Việt Nam, trong đó, để đạt hiệu quả, cần lưu ý một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các địa phương cần tổ chức bài bản, khoa học để tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, phân loại sản phẩm, quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa cho từng vùng, từng vụ, từng loại sản phẩm...
Thứ hai, đầu tư hợp lý để tạo ra bước đột phá trong việc nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm để nhân rộng và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp của địa phương với những thế mạnh về tài nguyên đất đai và những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, làm tiền đề cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, các địa phương cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khoa học đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất; tăng cường hợp tác với các địa phương và hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ cao sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Thứ tư, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác liên kết “5 Nhà”: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà băng (ngân hàng) với Nhà nông.
Thứ sáu, thực hiện cánh đồng mẫu lớn một cách bài bản, hiện đại hóa nông nghiệp: các địa phương cần rà soát quy hoạch một cách tổng thể và có tầm nhìn chiến lược, dài hạn để tránh sử dụng lãng phí diện tích đất cho nông nghiệp và bảo đảm lợi ích lâu dài; tổ chức chỉ đạo cho nông dân “dồn điền, đổi thửa” xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” hiệu quả để vừa hiện đại hóa ngành nông nghiệp, vừa nâng cao năng suất hàng hóa nông sản, giúp nông dân nhanh chóng thoát nghèo... Mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ có thể sản xuất trên quy mô lớn theo các quy trình hợp khoa học, an toàn và tiết kiệm nhân lực, cần sửa đổi chính sách ruộng đất để bảo vệ quyền lợi thật sự cho người nông dân./.