Đắk Lắk tập trung trồng tái canh cà phê

Thứ hai, 22/06/2015 18:18

Tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn các điạ phương, doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 không mở rộng diện tích trồng mới mà chỉ tập trung đầu tư trồng tái canh trên 16.475 ha cà phê già cỗi đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém. Trước mắt, ngay mùa mưa năm 2015, theo kế hoạch, các nông hộ, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đầu tư trồng tái canh 4.423 ha cà phê.

Như vậy, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành đầu tư trồng tái canh lại 15.723 ha cà phê (năm 2011 trồng tái canh 1.892 ha, năm 2012: 2.644 ha, năm 2013: 3.643 ha, năm 2014: 3.118 ha và năm 2015 kế hoạch trồng tái canh 4.423 ha). Đây cũng là địa phương có các nông hộ, doanh nghiệp chủ động đầu tư vốn để trồng tái canh cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh nhiều nhất so với các tỉnh khác trên địa bàn Tây Nguyên.

 

 Tái canh cà phê tại Đắk Lắk. (Nguồn: baotintuc.vn)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, phần lớn diện tích đưa vào trồng tái canh cà phê, các nông hộ, doanh nghiệp đều thực hiện đúng theo Quy trình tái canh cà phê vối mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành. Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đã sử dụng giống cây ghép và giống thực sinh bằng hạt lai đa dòng do Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cung cấp, trong đó 30% sử dụng cây ghép và 70% là sử dụng giống cây thực sinh từ hạt lai. Cụ thể, các nông hộ, các doanh nghiệp sử dụng các dòng cà phê vối, gồm TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13. Đây là những giống cà phê vối mới đạt năng suất cao từ 4,2 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới. Trong đó, có 4 dòng cà phê vối chín muộn, gồm TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô không những thuận lợi trong việc thu hoạch, không bị mưa trong quá trình phơi sấy mà còn góp phần gảm lượng nước tưới cho cà phê trong mùa khô.

Ngoài Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, đơn vị cung cấp giống cà phê chủ lực, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xây dựng vườn sản xuất hạt giống cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc, mỗi năm sản xuất, cung cấp từ 5 đến 7 tấn hạt giống lai tổng hợp. Tỉnh cũng xây dựng 5 ha vườn nhân chồi ở các huyện Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Pắk và thị xã Buôn Hồ mỗi năm cung cấp trên 4 triệu chồi ghép, cây giống ghép có chất lượng cao cho các nông hộ, doanh nghiệp cải tạo dần các vườn cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp.

Tỉnh Đắk Lắk cũng tăng cường thanh, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nói chung, trong đó có cây giống cà phê, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng vi phạm quy định, đồng thời, cảnh báo các nông hộ, doanh nghiệp không nên mua cây cà phê trôi nổi trên thị trường, chỉ mua cây, hạt giống cà phê ở những cơ sở có thương hiệu, hoặc các doanh nghiệp của Nhà nước, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên mới đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển cà phê bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã kiến nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ trồng tái canh cây cà phê như ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như: quy hoạch, kế hoạch, xây dựng vườn giống, cây giống, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý… Đặc biệt, về chính sách tín dụng cần có cơ chế về lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 1- 2%/năm. Đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho cây cà phê ở Tây Nguyên, có cơ chế cho loại hình bảo hiểm nông nghiệp đối với cây cà phê, đầu tư thỏa đáng cho việc tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước, xây dựng các cở vật chất khác như giao thông, hỗ trợ xây dựng sân phơi… nhằm góp phần phát triển cây cà phê bền vững ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực