(ĐCSVN) - Thời gian qua, các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp (hợp tác xã – HTX, tổ hợp tác – THT) đã có bước phát triển về số lượng, trong đó, đã có một số mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo điều kiện giúp các hộ thành viên khắc phục được những yếu điểm của kinh tế hộ, tiếp cận tốt hơn với khoa học, kỹ thuật, doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Tuy nhiên, hiện tại, khu vực kinh tế này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
|
Kinh tế HTX phát triển tạo điều kiện quan trọng giúp các xã viên trong các khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản (Ảnh minh họa: BT) |
Theo ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), kinh tế tập thể (nòng cốt là các HTX) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hình thức kinh tế lấy hộ nông dân đơn vị sản xuất chính. Điều này có thể thấy rõ khi khu vực kinh tế HTX hoạt động yếu kém sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó, hạn chế hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông hộ; thiếu các đơn vị thể chế tiếp nhận dịch vụ công và khoa học công nghệ của nhà nước; làm tăng chi phí giao dịch trong liên kết với doanh nghiệp và không có điều kiện để bảo vệ quyền lợi của người nông dân.
Cũng theo ông Ma Quang Trung, trong 2 năm 2013, 2014 đã có gần 400 HTX và trên 1.000 THT thành lập mới. Trong đó, đã xuất hiện một số mô hình HTX mới, đa dạng về quy mô và phương thức hoạt động. Các HTX trong một số lĩnh vực chuyên ngành hoạt động khá hiệu quả. Vai trò của các THT, HTX trong việc hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng lớn được khẳng định, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích cánh đồng lớn và liên kết sản xuất tăng mạnh, đặc biệt về lúa; liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ mía đường, chè, sữa bò… được củng cố. Các THT đánh bắt xa bờ phát triển nhanh và hoạt động có hiệu quả ở các địa phương ven biển. Bên cạnh việc hỗ trợ cho xã viên, các HTX, THT còn có nhiều hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn đặc biệt xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, giá trị sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ (bình quân khoảng 1 tỷ đồng/HTX). Trên 20% HTX đã dừng hoạt động nhưng chưa chuyển đổi hoặc được giải thể được (do vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản, công nợ). Số HTX hoạt động có hiệu quả tốt chỉ đạt khoảng 10%; số lượng HTX chuyên ngành, đặc biệt là các HTX chuyên ngành ứng dụng sản xuất công nghệ cao, hoạt động có hiệu quả còn ít. Cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất – kinh doanh – dịch vụ của HTX nghèo nàn. Trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế; đa số cán bộ quản lý HTX chưa qua tập huấn nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, nhìn chung khối các HTX, THT trong nông nghiệp hiện hay chưa phát huy nhiều về vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp, sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Một số mặt hàng tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3% - 15%.
Những tồn tại trong hoạt động của kinh tế tập thể HTX ở trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, do nhận thức về vai trò của kinh tế hợp tác của các cấp, các ngành chuyển biến còn chậm, đặc biệt là ở các địa phương dẫn đến kết quả về phát triển kinh tế hợp tác mới chỉ chuyển biến rõ nét ở một số lĩnh vực nhất định.
Thêm vào đó, các quy định pháp lý chưa phù hợp với đặc thù riêng về tổ chức bộ máy, sản xuất kinh doanh dịch vụ của các HTX nông nghiệp. Các cơ chế chính sách chưa được ban hành đồng bộ nên quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện thiếu tính thực tiễn, chưa xuất phát từ các mô hình thành công trên thực tế, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác tổng kết và xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện của từng ngành, địa bàn hoặc lĩnh vực; việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, công tác phối hợp giữa Bộ, ngành Trung ương và giữa Trung ương với địa phương trong việc quản lý và hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác và cán bộ quản lý HTX, THT chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến năng lực quản lý tổ chức hoạt động còn nhiều hạn chế.
Bởi vậy, cũng theo ông Ma Quang Trung, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp, rất cần có HTX và các hình thức hợp tác, liên kết có hiệu quả giúp hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thực tế cho thấy, HTX và các hình thức hợp tác, liên kết có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân đồng thời góp phần phát triển cộng đồng về kinh tế, xã hội và môi trường. Để HTX, THT liên kết hoạt động có hiệu quả cần xuất phát từ điều kiện cụ thể và nhu cầu thực tế của nông dân. Do vậy, có thể có nhiều hình thức đa dạng, HTX, THT, tổ đoàn kết, hợp đồng liên kết không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
HTX tập trung làm những việc nông dân cá thể tự thân không làm được hoặc làm kém hiệu quả, khi hợp tác thì có lợi ích cao hơn, chủ yếu là phối hợp giao dịch thị trường (đầu vào, đầu ra), hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình kỹ thuật, tổ chức dịch vụ kỹ thuật (bảo vệ thực vật, bơm nước, quản lý thủy nông, chế biến…). Đồng thời, HTX hoạt động có hiệu quả khi thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tổ chức liên kết với doanh nghiệp để cung ứng đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra.
Đồng thời, để HTX và các hình thức hợp tác, liên kết hình thành và hoạt động có hiệu quả, cần có sự hỗ trợ của nhà nước phù hợp với từng loại hình như: giao cho thuê đất; cung cấp đủ tín dụng với cơ chế phù hợp với điều kiện của các HTX; hướng dẫn kỹ thuật cho các HTX, xã viên; quản lý tốt dịch bệnh, chất lượng vật tư đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các giải pháp cần quan tâm đến gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác. Phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, chủ trương chính sách của Trung ương về phát triển kinh tế hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các cấp ủy, đảng chính quyền, cơ quan liên quan và toàn xã hội để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.
Thêm vào đó, cần tăng cường và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, đổi mới phương pháp tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX theo hướng đào tạo từ thực tiễn; đào tạo tại các mô hình, tăng cường nội dung tập huấn về kỹ năng, trao đổi thảo luận. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác; tổ chức tập huấn chủ trang trại, THT và liên kết xây dựng cánh đồng lớn. Mặt khác, cần tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, củng cố bộ máy quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp ở các địa phương; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có bộ phận và cán bộ chuyên trách trong Chi cục Phát triển nông thôn để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp; cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi HTX, THT./.